Giá rẻ hơn ba lần so với hàng mới, monitor CRT second-hand vẫn thu hút rất nhiều người. Tuy nhiên, đa phần màn hình cũ bán trong nước đều có xuất xứ từ Trung Quốc nên cần chút kinh nghiệm để chọn mua được sản phẩm tuổi thọ cao.
Màn hình CRT cũ hiện tập trung rất nhiều tại khu chợ điện tử Nhật Tảo, TP HCM. Ảnh: H.T. |
Vừa mua một màn hình vi tính cũ loại CRT (dùng bóng đèn hình) hiệu IBM 15 inch với giá chỉ 250.000 đồng, anh Nguyễn Văn Hùng, TP HCM rất ưng ý khi lúc đầu kiểm tra hình ảnh thấy rất sắc nét và sáng. Chỉ vài hôm sau thời hạn bảo hành (1 tháng), monitor mờ hẳn đi, nhất là sau khi hoạt động khoảng 20 phút. Anh Hùng chỉ còn biết đem cất nó vào xó và chạy tiền mua một cái mới hoàn toàn.
Màn hình CRT cũ hiện có mặt trên thị trường rất đa dạng với nhiều thương hiệu như Dell, IBM, Sony, Samsung, Proview, Viewsonic, Compag, Mitsubishi, Philips, Hitachi, Samsung, Sony, LG… Giá của chúng cũng tầm từ 180.000 – 500.000 đồng cho các kích cỡ từ 14 – 21 inch loại màn hình cong. Loại phẳng (FLAT) có giá từ 400.000 – 750.000 đồng với kích cỡ từ 17 – 19 inch. Các sản phẩm này thường chỉ được bảo hành từ 1 – 3 tháng. Với mức giá này, màn hình CRT cũ tiết kiệm từ 40 – 70 % hơn việc đầu tư cho sản phẩm mới 100 %.
Anh Lê Phước Vũ, chuyên thu mua các loại màn hình CRT cũ ở quận 7, TP HCM, cho biết: “Thời gian gần đây, lượng monitor dùng bóng đèn hình được nhập về từ Trung Quốc rất nhiều. Chính vì vậy chất lượng của chúng cũng rất phức tạp”. Anh Vũ cũng chia sẻ, các lỗi phổ biến của monitor CRT cũ thường gặp nhất là hình ảnh bị mờ, không rõ nét. Ở loại màn hình này, đèn hình luôn thể hiện ra 3 màu cơ bản: đỏ (Red), xanh lá (Green) và xanh dương (Blue). Vì một lý do nào đó, một trong số các màu này yếu hẳn đi hoặc mất hẳn. Hiện tượng này dân trong nghề gọi là “mất tia”.
Thông thường, đèn hình của Nhật có thể sử dụng từ 15 – 18 năm. Các loại xuất xứ từ Hàn Quốc và nhất là Trung Quốc thì độ bền yếu hơn, chỉ từ 5 – 7 năm.
Nhiều ý kiến của người sử dụng lâu năm cho rằng màn hình dùng đèn Sony Trinitron cho hình ảnh sáng đẹp, sắc nét nên không nhức mắt. Các thương hiệu dùng loại đèn hình này có Dell, Mitsubishi… và thường có dòng chữ Trinitron ở mép dưới mặt trước hoặc ở mặt sau.
Anh Nguyễn Văn Hậu, làm nghề sửa màn hình lâu năm tại Thủ Đức, nhận định: “Công nghệ đèn hình của Sony Trinitron cho hình ảnh rất đẹp, mịn. Tuy nhiên, đây cũng là loại monitor giảm chất lượng nhanh nhất do hỏng đèn hình vì bóng yếu, hoặc bị mất tia. Thực tế cho thấy, loại Trinitron trên thị trường rẻ hơn từ 50.000 -100.000 so với các loại đèn hình khác”.
Sony được xem là hãng nổi tiếng trong công nghệ màn hình. Tuy nhiên, theo nhiều thợ lâu năm, đây cũng là sản phẩm thương hiệu này khó sửa nhất mỗi khi gặp trục trặc, bởi cấu trúc rất đặc biệt trong kỹ thuật của hãng.
Mặt hàng Dell chuyên dụng công nghệ Trinitron nhưng có độ bền kém hơn. Mitsubitshi cũng dùng loại đèn hình này.
Anh Hậu nhận định: “Màn hình Panasonic là ít hỏng nhất. Mitsubishi cũng có chất lượng tương đương. Tuy nhiên, hai loại hàng này rất ít khi thấy trên thị trường đồ cũ”.
CRT của Viewsonic từ những năm 1999 trở về trước có chất lượng rất tốt khi được sản xuất trực tiếp tại Nhật Bản. Về sau này, đa phần là hàng có nguồn gốc từ Thái Lan nên tuổi thọ kém hơn rất nhiều.
Mặt hàng monitor CRT cũ của IBM thì thường gặp lỗi hình ảnh bị mờ sau khi cho hoạt động khoảng 10 – 20 phút.
Anh Hậu cũng đưa ra thứ tự xếp hạng chất lượng từ cao đến thấp về độ bền, màu sắc của một số loại monitor CRT phổ biến hiện nay: Panasonic, Mitsubishi, Philips, Hitachi, Samsung, Sony, LG…
“Không nên căn cứ vào hình thức bên ngoài cũng như năm sản xuất (Date)” là lời khuyên của nhiều chuyên gia cho người tiêu dùng khi chọn mua màn hình CRT cũ.
Hiện có rất nhiều hãng sản xuất sản phẩm này nên điều đầu tiên khi chọn mua là tìm hiểu rõ xuất xứ. Màn hình dù thuộc bất kỳ thương hiệu nào cũng nên hỏi xem nó sử dụng đèn hình gì và thuộc nước nào. Tốt nhất là không nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Bước tiếp theo là kiểm tra độ sáng, độ cân đối của ba màu cơ bản và tính sắc nét của hình ảnh hiển thị. Bạn không nên vội vã tin vào nhãn hiệu nổi tiếng bên ngoài hay Date mới 2004, 2005…
Tất cả những hình thức này đều có thể được làm giả rất tinh vi từ vỏ bọc được sơn phết, dòng chữ được in lụa như mới. Thậm chí cả năm sản xuất cũng có thể được làm mới lại.
Với những monitor cũ, bạn nên chọn mua ở những nơi uy tín hoặc nhờ người có kinh nghiệm tư vấn.
Mai Huy (Theo VNE)
Bình luận (0)