Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Mua lẻ pin laptop rất dễ dính hàng tái chế

Tạp Chí Giáo Dục

Được bán rộng rãi tại nhiều cửa hàng, hầu hết pin thay thế "mới 100%" dành cho máy tính xách tay đều được tái chế từ các cell cũ hoặc do đầu nậu trong nước nhập về "xào nấu" lại cho mới và đưa ra thị trường.

 

Bên trong pin laptop loại 6 cell và 8 cell. Ảnh: Cao Kiến Nam.

Vừa mua một pin mới cho chiếc laptop Dell 5100, anh Võ Văn Hùng cho biết pin chỉ chạy được hơn 2 tiếng đồng hồ dù trước đó đã được sạc đầy. Trong khi đó, pin của máy lúc mới mua có thể hoạt động đến hơn 4 giờ.

"Hầu như pin laptop được bán tại VN là các sản phẩm được nhào nặn, chắp vá, tân trang từ đồ cũ, chỉ trừ những pin được bán đi kèm cùng với máy hàng thùng là đồ chính hãng", anh Nguyễn Trung Vỹ, chủ một cửa hàng bán laptop tại quận Tân Bình, TP HCM, khẳng định.

Theo khảo sát của VnExpress.net trên thị trường hàng tái chế, pin máy tính xách tay loại 6 cell (các viên pin nhỏ cấu thành nên một thành phần lưu trữ năng lượng cho laptop, loại cell phổ biến hiện nay có hình dáng tròn như pin tiểu AA) hiện được bán với giá từ 45 đến 60 USD. Loại có 8 cell đến 12 cell có thể giá từ 80 đến 100 USD. Các sản phẩm đều được đóng hộp (full box) như hàng mới 100% và có chế độ bảo hành 1 đổi 1 trong vòng 9-12 tháng. Pin của nhiều thương hiệu như Dell, HP, Sony, IBM… từ đời cũ cho đến đời mới nhất đều rất dễ dàng tìm thấy tại các cửa hàng chuyên bán sản phẩm này trên cả nước.

Chính vì đặc điểm full box nên nhiều người vẫn tưởng những pin này là sản phẩm do chính hãng sản xuất và được các nhà phân phối nhập về VN bán.

Cùng một loại pin nhưng nhiều cửa hàng bán chênh lệch nhau khoảng 10 USD. Có khi khách hàng được giới thiệu từ hai đến ba mẫu có giá chênh nhau từ 5 USD trở lên, tuy rằng chúng đều dùng cho một loại máy và có số cell bằng nhau.

Người tiêu dùng thì vẫn chọn hàng rẻ tuy nhiên sau khi mua về sử dụng ít ngày thì mới thấy chất lượng kém.

Đa phần pin laptop bán tại VN được nhập từ Trung Quốc và được các tay chuyên nghề tại nước này sử dụng lượng lớn cell cũ phục hồi bằng cách sạc nhồi hoặc thay vào những cell đã không còn dùng được. Sau đó, tất cả đều được lắp vào những lớp vỏ đã tút lại tinh vi như mới.

Tại VN cũng có một số thợ lành nghề nhập số lượng lớn cell cũ từ Trung Quốc để tự tái chế pin. Đi kèm theo đó là một lượng vỏ được đặt sẵn theo mẫu như chính hãng để sẵn sàng lắp cell vào và cho ra thị trường.

Anh Trần Minh Huy, chủ một cửa hàng kinh doanh vi tính trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP HCM, chia sẻ: "Đương nhiên chất lượng pin tái chế không thể nào bằng với pin chính hãng theo máy, nhưng hàng Trung Quốc có loại dùng khá bền do được xào từ những cell còn tốt".

Một viên pin "tái chế" có chất lượng ổn định nhất hiện nay cũng có độ bền từ 1-1,5 năm. Tuổi thọ này có thể giảm còn 5 đến 9 tháng nếu phương thức sử dụng không đúng nguyên tắc. Thời gian mà loại pin này nuôi sống cho máy kém hơn từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ so với pin gốc.

Một số hàng chính hãng cũng được xách tay về từ nước ngoài nhưng số lượng thường rất hiếm. Những sản phẩm này được rao bán với giá cao, khoảng 150 USD cho loại 6 cell. Một số hàng cũ theo máy cũng được rao bán trên mạng hay chào mời tại cửa hàng với giá lên đến 100 USD.

Việc dùng mắt thường qua lớp vỏ ngoài để phân biệt kiểm tra chất lượng các loại pin này là một điều không thể. Với kỹ thuật viên thì cần đo đạc qua các cell bên trong pin mới có thể xác định được chất lượng của nó.

Các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm này tại những nơi uy tín. Khi lựa chọn pin laptop, bạn cần hỏi rõ chủ hàng về thông tin nó có thể chạy được trong bao nhiêu phút. Bên cạnh đó, người mua không nên bị cuốn hút bởi giá rẻ nếu người bán không hề quen biết.

Mai Huy (Theo VNE)

Bình luận (0)