Khách đang massage cá
|
Những lời quảng cáo “có cánh”: Massage cá có thể chữa được nhiều bệnh đã khiến không ít người tìm đến dịch vụ này với hy vọng đẩy lùi bệnh tật.
Nhiều năm trước, những ai muốn thử qua dịch vụ massage này phải sang tận Campuchia, Thái Lan hoặc Trung Quốc. Gần đây, tìm dịch vụ này tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… không khó. Tuy nhiên, các chuyên gia về da liễu khuyến cáo không nên đi massage cá vì chẳng những không chữa được bệnh mà còn “rước bệnh” vào thân.
“Nổ” để câu khách
Tại Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, loại hình dịch vụ massage cá không phải là mới mẻ, song nhiều năm nay không mấy thu hút khách. Gần đây, nhiều cơ sở massage lại tung chiêu quảng cáo “massage cá có thể chữa được nhiều bệnh” khiến không ít người đang mang bệnh tật tin sái cổ.
Theo chỉ dẫn của người quen, chiều cuối tuần, chúng tôi tìm đến một khách sạn nằm trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1. Dịch vụ massage cá đặt tại lầu 5 của khách sạn với 5 hồ tập thể và 3 hồ cá nhân. Khi tôi có ý định thử qua dịch vụ này, cô quản lý “phát pháo”: “Thời buổi này ai lại đi massage, xông hơi, cứ vào đây cho cá rỉa là khỏe người ngay, lại khỏi bị mang tiếng với bà xã là đi thư giãn chỗ này chỗ kia”. “Nghe nói cá massage sẽ chữa được nhiều bệnh, có đúng thế không?”, tôi hỏi. Cô quản lý hớn hở, tiếp tục “nổ”: “Bệnh thấp khớp, vẩy nến gì cũng chữa được hết”. Nói xong, cô ta giục một nam nhân viên đến cởi giày, xắn quần rồi hướng dẫn tôi ngồi vào băng ghế trên bể thả chân xuống nước. Vừa thả chân xuống, một đàn cá có kích thước nhỏ xíu ùa đến rỉa ở khóe, gót và lòng bàn chân. Khi chúng tôi vừa đưa máy lên chụp hình, ngay lập tức hai anh bảo vệ vóc dáng cao to tiến đến, vẻ mặt hầm hầm, nói: “Quy định của khách sạn không được chụp hình”. “Quy định đâu?”, tôi gằn giọng. Anh bảo vệ còn lại ra vẻ mềm mỏng, vừa ôn tồn giải thích vừa nài nỉ: “Anh thương tụi em. Ông chủ xem camera thấy khách chụp hình là tụi em bị đuổi việc”.
Được biết, cuối năm 2012, nhiều người ở khách sạn trên massage cá đã chứng kiến một ông khách Tây ba lô ghẻ chốc đầy mình ngâm hàng giờ trong bể nước cho cá rỉa rồi chụp hình, đưa thông tin lên trang cá nhân với ý đồ phê phán. Tuy nhiên, theo lời cô quản lý thì thông tin trên chỉ là bịa đặt nhằm kéo khách về cơ sở của họ. “Từ đó, chủ cơ sở quản lý rất chặt chẽ, khách có thể vừa massage vừa sử dụng điện thoại nhưng chụp hình thì không được phép”, cô quản lý tên Thanh nói. Ông Nguyễn Văn Thịnh (ngụ C8, khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh) đã từng thử qua loại hình dịch vụ này, khẳng định: “Sau khi massage cá về tôi cảm thấy thoải mái, ngủ ngon giấc”. Tuy nhiên, khi hỏi có thật sự chữa được bệnh gì không thì ông Thịnh phản ứng: “Ôi, tụi nó quảng cáo vậy để tìm khách chứ chữa chiếc cái gì”.
Anh Nguyễn Văn Trị (ngụ Mộc Hóa, Long An) nghe đứa cháu gái làm việc tại TP.HCM nói đi massage cá có thể chữa được bệnh vẩy nến nên cũng khăn gói lên Sài Gòn thuê nhà để chữa trị. Sau 5 lần đi massage, anh Trị thú thật: “Có bệnh tôi cũng ngại nên chỉ đi vào sáng sớm, lúc đó thường không có khách. Sau khi cá rỉa, vẩy khô trên người có giảm bớt nhưng sau đó lại mọc lên lớp vẩy khác. Còn những chỗ bị cá rỉa nhiều thì vết thương sâu hoắm, lở loét ra”.
Chỉ là liệu pháp thư giãn
Tại một cơ sở khác trên đường Hồ Tùng Mậu (Q.1), những ngày qua có chương trình “giờ vàng” dành cho khách hàng thân thiết. Theo đó, khách tới massage từ 19 giờ đến 21 giờ sẽ được ưu đãi “1 tặng 1” (một suất). Đây là cơ sở massage cá mới đưa vào hoạt động từ hơn một năm nay nhưng có lượng khách rất đông, trong đó đa phần là khách du lịch, đặc biệt là Tây ba lô, Tây đen.
Sự thật massage cá có phải là liệu pháp thư giãn hữu hiệu, vừa chữa được nhiều bệnh? BS. Hoàng Tố Anh, Phòng khám da liễu Tố Anh (Q.Bình Thạnh) thông tin: “Massage cá thực chất là cho cá rỉa các tế bào chết, da khô… trên cơ thể người. Khi cá rỉa liên tục sẽ tác động trực tiếp lên dây thần kinh dưới da, làm khí huyết lưu thông, cho cảm giác thoải mái, dễ chịu. Chuyện chữa được bệnh là hoàn toàn không có căn cứ, đó chỉ là lời đồn thổi của một số người. BS. Tố Anh cảnh báo, massage cá chẳng những không có tác dụng chữa bệnh mà còn “rước bệnh” vào người, đó là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như giang mai, viêm gan, HIV và những căn bệnh nghĩ là đơn giản nhưng không ít phiền toái như lang ben, hắc lào, nấm… Cá chính là trung gian gây bệnh. Hơn nữa, môi trường nước (bể cá massage) là môi trường dễ lây lan bệnh. Một người mang mầm bệnh lây nhiễm có vết thương hở đã cho cá rỉa trước đó có thể lây sang người khác.
Bài, ảnh: Trần Anh
Nở rộ dịch vụ massage cá
Theo tìm hiểu của chúng tôi, massage cá xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ. Thức ăn chính của cá là thức ăn tổng hợp được chế biến theo một công thức đặc biệt, được nhập khẩu với giá rất cao. Khi đưa về Việt Nam, để cá “làm việc” cũng như giảm đi chi phí, các cơ sở hầu như không cho cá ăn thức ăn này. Theo ông Trần Anh Vũ, kích thước chuẩn của cá phục vụ massage chỉ dài từ 3,8-4,8cm, cá có kích thước lớn hơn (to béo hơn) sẽ “làm việc” kém hiệu quả, đó cũng là lý do bỏ đói cá. Cá sống được phải ở trong môi trường nước ấm, thường xuyên thay nước sạch và giữ ôxy. Đây là loài cá rất háu ăn, rỉa sạch tế bào chết, nhất là ghẻ lở nơi vết thương hở trên cơ thể người. Khi mới xuất hiện ở Việt Nam, chỉ có dịch vụ cá massage chân, về sau có cả dịch vụ massage toàn thân. Ngoài các khách sạn, tại các cửa hàng Spa, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp… dịch vụ này cũng nở rộ.
|
Bình luận (0)