Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ứng phó bọ xít hút máu người

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bọ xít hút máu người có nguy cơ “tấn công” trường học
Tính đến thời điểm này, hầu hết các quận huyện tại TP.HCM đều ghi nhận sự xuất hiện của bọ xít hút máu người, tấn công trên dưới 30 người. Mới đây nhất, nhiều ổ bọ xít đã được phát hiện ở Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp, có ổ trên 100 con và tiếp tục xuất hiện tại Q.Bình Tân khiến người dân hết sức lo sợ, bất an.
Nhiều người bất an
Với vai trò là người trực tiếp tiếp nhận, nghiên cứu và theo dõi các trường hợp phát hiện bọ xít hút máu người tại TP.HCM, ông Mai Đình Thắng cho biết, tại Việt Nam hiện đã phát hiện được 3 loài bọ xít hút máu người. Nhưng phổ biến nhất là loài Triatoma rubrofasciata và loài này không mang ký sinh trùng Trypanosoma cruzi gây bệnh ngủ (Chagas) như loài bọ xít hút máu người ở khu vực Mỹ La Tinh.
Tại TP.HCM, bắt đầu ghi nhận ca đầu tiên bị bọ xít hút máu người tấn công là ở Gò Vấp vào năm 2010, cùng với thời điểm ghi nhận tại Hà Nội. Tuy nhiên, theo ông Thắng thì, loài bọ xít này có thể đã tồn tại ở TP.HCM từ vài chục năm nay rồi. Trong điều kiện khí hậu ngày càng biến đổi cũng như sự ô nhiễm nặng nề hiện nay, có thể cũng đã tạo sự thuận lợi cho loài này bùng phát mạnh. Chúng có vòng đời trên dưới 300 ngày (tùy vào điều kiện môi trường sống), sinh sản một lần khoảng 200 trứng, rời và rải rác. Trứng bé bằng đầu tăm, có màu trắng đục, và chuyển sang màu đỏ nhót khi chuẩn bị nở.
Điểm đặc biệt của loài bọ xít hút máu người là rất ưa những nơi có gỗ, vật liệu xây dựng cũ… Chính vì vậy, chúng thường xuất hiện ở nhà kho cũ, công trường xây dựng, những nơi ít người qua lại… và cũng không loại trừ nguy cơ tấn công trường học, nơi toàn đồ bằng gỗ. “Đã có nhiều báo cáo từ phía học sinh ở nhiều trường trong TP về việc xuất hiện bọ xít hút máu người trong trường học” – ông Mai Đình Thắng khuyến cáo.
Người dân tự bảo vệ mình
Nếu phát hiện có bọ xít hút máu người, người dân nên liên hệ ngay lập tức với trung tâm y tế dự phòng tại địa phương hoặc liên hệ trực tiếp với Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM số 699 Trần Hưng Đạo, P.1, Q.5 hoặc điện thoại: 84-8-3923.9946/ 3923.7422/ 3923.8091/ 3923.7117 để có biện pháp tiến hành xác nhận, điều tra và xử lý kịp thời.
Biểu hiện khi bị bọ xít hút máu người đốt là  nổi mẩn đỏ, rát và ngứa. Có thể sưng to và gây sốt. Tuy nhiên, theo ông Mai Đình Thắng thì, khi bị đốt, người dân không nên hoang mang, lo sợ. Nên hạn chế gãi vì sẽ khiến vết loét loang ra. Người dân nên đến các trung tâm y tế để BS kê các loại thuốc chống dị ứng ngoài da do côn trùng đốt. Ông Thắng cũng cho biết, kể từ năm 2010, ca đầu tiên và cũng là ca nặng nhất tại Gò Vấp khi bị bọ xít hút máu người đốt đã bị sưng tấy đỏ trở đi trở lại trong vòng một tháng. Và từ đó đến nay, qua theo dõi thêm nhiều trường hợp khác thì chưa phát hiện thêm được triệu chứng cũng như biểu hiện bệnh nào nữa sau khi vết đốt đã liền. “Dù xác định được rằng loài bọ xít này tại Việt Nam có mang ký sinh trùng nhưng chúng tôi cũng chưa thể khẳng định được mức độ nguy hiểm cũng như có truyền bệnh hay không của loài này” – ông Thắng cho hay.
Hiện nay, các biện pháp ứng phó với loài bọ xít hút máu người tại TP.HCM chỉ mang tính tình thế, tạm thời. Hiện tại Hà Nội, đang áp dụng chương trình sử dụng thuốc phun hóa chất nhưng vẫn trong giai đoạn thử nghiệm. Dù đã xuất hiện tại Việt Nam ồ ạt trong vòng 3 năm qua, nhưng đến tận cuối tháng 6 vừa qua, một cuộc hội thảo mang tầm quốc tế mới được triển khai tại Hà Nội để tìm ra các giải pháp lâu dài, quy mô.
Theo ông Mai Đình Thắng, trước hết để hạn chế sự sinh sôi cũng như trú ngụ của loài bọ xít hút máu người, người dân nên tự bảo vệ mình. Nên thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nơi ở, đặc biệt ở những nơi có vật liệu gỗ. Không nên để gỗ thành từng ụ trong khu vực sinh sống. Các khu vực trường học nên kiểm tra, dọn vệ sinh sạch sẽ trường, lớp, khu vực xung quanh trường học. Các khu nhà kho hay phòng thí nghiệm cũng phải được quét dọn thường xuyên.
Bài, ảnh: Yến Hoa
“Đến nay tại Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh loài bọ xít này có truyền bệnh cho người hay không nên người dân đừng quá hoang mang. Tuy loài bọ xít này có mang ký sinh trùng nhưng hiện tại vẫn chưa thể nào xác nhận được đó là loài ký sinh trùng gì” – ông Mai Đình Thắng – Tổ trưởng Tổ ngoại ký sinh, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM khẳng định.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)