Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nước đá bẩn gieo mầm bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đá bẩn được cho vào các thùng xốp cực bẩn (ảnh chụp tại cơ sở phân phối đá trên đường Trần Bình Trọng, Q.10). Ảnh: Q.P

Mùa hè thời tiết nắng nóng là cơ hội cho các cơ sở sản xuất nước đá ăn nên làm ra. Tuy nhiên, cũng chính vì ham lợi nhuận mà các cơ sở sản xuất cũng như nơi phân phối nước đá lại “quên” mất việc đảm bảo vệ sinh cho người tiêu dùng.
Từ cơ sở sản xuất đến nơi phân phối
Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM thì hiện trên địa bàn TP có 610 cơ sở sản xuất nước đá, hầu hết đều có giấy phép kinh doanh nhưng có đến 29% cơ sở không đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến điều này tại cơ sở sản xuất nước đá ở hẻm 212B đường Nguyễn Trãi (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1), cụ thể là sản xuất trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, hệ thống trang thiết bị xuống cấp trầm trọng, còn nhân công thì ở trần trùi trụi, không đeo găng tay, khẩu trang, “vô tư” làm bẩn nước đá. Mới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội bất ngờ kiểm tra cơ sở chuyên sản xuất nước đá sạch Ngọc Hường (số 85 đường Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) cũng đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng về vấn đề đảm bảo vệ sinh trong sản xuất như nền xưởng sản xuất dơ bẩn, chậu thau đầy bụi, rỉ sét. Điều đáng nói là cơ sở này sử dụng nguồn nước giếng khoan để sản xuất đá viên mà chỉ được lọc thô.
Nước đá chưa sạch, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ ở khâu sản xuất, mà ngay cả khâu phân phối, tiêu thụ. Hai cơ sở lấy nước đá phân phối lại cho các nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê nằm trong một con hẻm trên đường Trần Bình Trọng và Hồ Thị Kỷ (Q.10, TP.HCM) có một điểm chung dơ bẩn và nhếch nhác như nhau. Lúc nào cũng sẵn sàng hơn chục xe chở nước đá cảnh đi giao khắp nơi. Chứng kiến người làm kéo trượt từng bao nước đá dưới nền ra xe giúp “lau sạch” những dấu chân mang ủng vừa mới để lại trước đó, chúng tôi không khỏi rùng mình. Nước đá cứ thế được bốc lên xe và chuyển đi. Từng chiếc bao mang về không được giặt lại mà cứ thế cho đá vào rồi chở đi tiếp.
Khi muốn giữ nước đá lâu thì người ta cho đá vào vài cái thùng lớn, sau đó được phủ lên bằng nhiều mảnh vải rỉ nước đùng đục. Khu vực để nước đá cũng bẩn thỉu không kém,  rác vứt tứ tung và có cả rác sinh hoạt. Chiếc găng tay dùng để bốc đá cũng đen xì, mỗi lần dùng xong được quăng ngay xuống đất, cần thì nhặt lên đeo vào làm tiếp.
Có thể nói rằng, hiện nay người tiêu dùng chưa phân biệt rõ hai loại đá viên và đá cây. Đá cây chỉ được sử dụng ướp lạnh thực phẩm, tuyệt đối không được dùng trong giải khát. Thế nhưng, thực tế vẫn tồn tại tình trạng sử dụng đá cây trong các hàng quán vỉa hè… Ở các hàng quán này, đá viên cũng không được rửa lại, trút ra thùng xốp hoặc từng xô và cho vào ly của khách. Không những thế, một số quán còn cắt nhỏ đá cây ra cho khách dùng để uống hoặc còn được bào ra để cho vào trái cây dĩa, chè, kem đá bán tại các cổng trường. Khi chúng tôi hỏi vì sao không dùng đá viên để khỏi mất công chặt đá, chị M.M bán quán nước trên lề đường Nguyễn Chí Thanh (Q.10) trả lời “nhát gừng”: “Nếu dùng đá viên thì còn lời lãi gì nữa. Với lại đá cây lâu tan hơn đá viên”.
 Anh N.V, người chuyên giao đá của cơ sở trên đường Hồ Thị Kỷ cho biết, những ngày nắng nóng, các loại đá đều khan hiếm nên khách hàng đặt mua đá cây rất nhiều. Chính vì đá cây rẻ hơn đá tinh khiết nên nó vẫn là sự lựa chọn của nhiều chủ quán.
“Rước bệnh” vào người
Chị Thu Trang (Q.4 – TP.HCM) phản ánh: “Gia đình tôi thường mua đá viên về sử dụng. Có lần tôi mua đá viên về để mấy viên ra cốc không sử dụng ngay, khi đá tan, tôi thấy nước trong cốc có nhiều cặn màu vàng. Sợ bị bệnh nên từ đó tôi tự làm đá trong tủ lạnh để dùng”. Còn bạn Trúc Ly (sinh viên Trường ĐH Kinh tế) cho biết: “Bản thân em đã hai lần bị đau bụng vì uống trà đá vỉa hè rồi. Mới đây, mấy đứa bạn em ngồi uống trà chanh ngoài lề đường cũng bị giống em…”.
BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM thừa nhận việc sản xuất nước đá đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều cơ sở chưa thực hiện đúng. Theo BS. Mai thì uống nước đá chỉ là đánh lừa cảm giác “đã khát” nhưng thực tế không làm người ta hết khát mà còn gây hại rất nhiều như hỏng men răng, tăng nguy cơ viêm họng khi gặp lạnh, ảnh hưởng tiêu hóa, kích thích đường ruột gây ra đau bụng, tiêu chảy, tiểu gắt, bệnh đường ruột… Sắp tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đá. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ có các hình thức xử phạt cụ thể.
Hữu Tài – Phạm Quyên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)