Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Bệnh trứng cá và chế độ điều trị

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trứng cá là một bệnh rất thường gặp. Bệnh gặp ở cả hai giới nam và nữ. Bệnh hay xuất hiện ở tuổi dậy thì, tuy nhiên bất kỳ thời gian nào trong độ tuổi từ 13-50 tuổi thì mụn trứng cá vẫn có thể xuất hiện.

Nguyên nhân gây bệnh là do vào lúc tuổi dậy thì các chất nội tiết tố sinh dục được tiết nhiều. Trong số các chất nội tiết thì androgen đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mụn trứng cá.

Androgen được tiết ra nhiều sẽ gắn vào các thụ thể đặc hiệu của chúng có trên bề mặt các tế bào tuyến bã. Sự gắn kết này sẽ kích thích tuyến bã phát triển về kích thước và tăng bài tiết chất bã nhờn.
Vì vậy, thường thì da chỉ trở nên nhờn và có mụn vào tuổi dậy thì. Các tuyến bã nằm ở trung bì và có phần ống đổ các chất tiết của chúng vào cổ nang lông.
Song song với hiện tượng tăng tiết chất nhờn thì còn có sự bất thường về quá trình sừng hóa. Các tế bào sừng hoá tăng về số lượng và chúng dính lại với nhau làm hẹp lòng nang lông và bít tắc ở phía lỗ nang lông.
Sự bít tắc lỗ nang lông tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn P.acne sinh sôi phát triển. Vi khuẩn này chuyển hóa các acid béo tự do có trong chất  bã ứ đọng ở nang lông làm xuất hiện các chất trung gian gây viêm.
Các chất trung gian gây viêm có tác dụng hoạt hóa các tế bào viêm, vì thế phản ứng viêm hình thành và tạo nên mụn trứng cá.
Nếu viêm nhẹ thì biểu hiện là các mụn nhân màu trắng ngà hoặc màu đen: mụn nhỏ sắp xếp rải rác và ưu tiên ở vùng da có nhiều tuyến bã nhờn: trán, mũi, cạnh mũi, cằm.
Nếu viêm nhiều thì tổn thương là các sẩn nổi cao hơn mặt da kích thước từ 0,3 – 0,5cm, đôi khi to đến 1cm. Nếu có bội nhiễm thì có mủ trắng.
Chế độ chăm sóc da:
Khi ra ngoài đường phải đội mũ, đeo khẩu trang để tránh bụi bẩn bám vào. Rửa mặt ngày 2-3 lần bằng nước muối hoà loãng hoặc bằng các sữa làm sạch và giảm tiết chất nhờn.
Tuyệt đối không bôi các chế phẩm như trangalar, cortebios, flucinar, chlorocid H, gentrison, diproson, temproson, kem tự chế, các loại kem Đông y không rõ nguồn gốc…
Trong các chế phẩm này có chứa hoạt chất steroid có hại cho da mặt bị mụn. Khi bôi thuốc trong 3-7 ngày đầu thì da bớt viêm trông mịn đi nhưng nếu tiếp tục bôi thì sẽ bị các biến chứng như teo da, giãn mạch, nổi mụn chi chít, căng  mọng, trông da sần sùi như vỏ cam sành.
Khi bị mụn nhiều nên tránh hoặc hạn chế trang điểm để cho lỗ nang lông được thông thoáng.
Thuốc điều trị
Thuốc bôi tại chỗ:
– Bôi sáng một trong các chế phẩm có chứa kháng sinh như: eryfluid, fucidin, bactroban…
– Bôi tối một trong các chế phẩm trị mụn như isotretinoin 0,05 – 0,1%.
Thuốc dùng toàn thân: Thuốc uống phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
– Nếu có viêm nhẹ và trung bình: uống 1 đợt thuốc kháng sinh.
– Nếu viêm nặng, số lượng mụn nhiều, da nhờn và điều trị như trên không đỡ thì có thể lựa chọn liệu pháp nội tiết tố hoặc uống vitamin A acid trong trị liệu trứng cá.
Loại thuốc nội tiết có tác dụng tốt trong điều trị trứng cá có hoạt chất chính để điều trị trứng cá là cyproteron acetate (CPA). CPA cạnh tranh với nội tiết tố androgen tại các thụ thể của tuyến bã, vì thế làm giảm tiết bã nhờn và điều trị nguyên nhân gây ra mụn.
Thuốc chỉ sử dụng cho bệnh nhân nữ. Bắt đầu uống vào ngày đầu có kinh, mỗi ngày uống 1 viên, uống  liên tục 21 ngày, nghỉ 7 ngày rồi lại uống tiếp dù có kinh hay không. Một đợt điều trị ít nhất là 6 tháng.
Ngoài ra trong thuốc điều trị trứng cá còn có hoạt chất ethinylestradiol có tác dụng tránh thai nên nếu bạn gái mà kết hợp cả mục đích tránh thai và  điều trị trứng cá thì thời gian uống  thuốc có thể kéo dài hơn.
Các chống chỉ định khi dùng thuốc là phụ nữ có thai, cho con bú, mắc các bệnh nội tiết, u xơ, u nang vú, buồng trứng, tử cung, hiện tại hoặc tiền sử có huyết khối, tai biến mạch máu não, đái tháo đường có tổn thương mạch máu, bệnh gan, viêm tụy, u gan, dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc…
Nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc tránh thai không có tác dụng bất lợi đến khả năng có con sau khi ngưng thuốc. Một câu hỏi đặt ra là khi nào thì có thai được?
Thực tế, bệnh nhân dừng thuốc là có thai ngay được nhưng để tránh tình trạng song thai hoặc đa thai thì sau ngừng thuốc 3 tháng  mới  nên có thai.
Chế độ ăn uống: Phải uống nhiều nước, từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Kiêng các chất kích thích như ớt, hạt tiêu. Hạn chế ăn thức ăn rán, mỡ. Tăng ăn rau xanh, quả tươi, thức ăn luộc, nấu.
TS. Nguyễn Thị Lai
Theo Sức khỏe&Đời sống

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)