Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nâng cao năng lực thực hành về làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), có hai lĩnh vực chính mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới được đánh giá thành công, hay thất bại đều dựa trên  hai chỉ số là: tỷ lệ tử vong mẹ (TVM) và tỷ lệ tử vong sơ sinh (TVSS) và trẻ dưới một tuổi.
 Tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân ở Trảng Bom (Ðồng Nai).  

Ở Việt Nam, sau mười năm thực hiện Chiến lược Dân số và Chiến lược CSSKSS giai đoạn 2001 – 2010, tỷ lệ TVM đã giảm và tỷ lệ TVSS và trẻ dưới một tuổi xuống còn 11-12/1.000 trẻ đẻ sống, một tỷ lệ thấp so với các nước trong khu vực và các nước đang phát triển khác. Tuy vậy, thực tế cho thấy tỷ lệ TVM và tỷ lệ TVSS, trẻ dưới một tuổi giữa các vùng, miền vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn, nếu như khu vực phía bắc và Tây Nguyên, tỷ lệ tử vong mẹ chỉ là 119/100 nghìn trẻ đẻ sống, thì khu vực Tây Bắc lên đến 242/100 nghìn trẻ đẻ sống. Ðáng chú ý, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, trẻ dưới một tuổi ở nông thôn miền núi cao gấp hơn hai lần so với nông thôn vùng đồng bằng.
Theo thống kê, nguyên nhân trực tiếp gây tử vong mẹ chủ yếu là do băng huyết chiếm tỷ lệ từ 33,7%  đến 43,4%, rồi đến sản giật, nhiễm khuẩn, tắc ối, phá thai, sảy thai, chuyển dạ tắc nghẽn, tai biến do hậu phẫu… Ngoài ra còn những nguyên nhân khách quan như: chậm trễ trong việc đưa ra quyết định cần chăm sóc y tế do ảnh hưởng của thói quen, các yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán và chậm tiếp cận với các cơ sở y tế do không có sẵn các phương tiện đi lại vận chuyển cá nhân, giao thông đi lại khó khăn dẫn đến đẻ tại nhà; do dịch vụ không sẵn có tại các cơ sở y tế do thiếu nhân lực, trang thiết bị, thuốc men… Ðối với TVSS, nguyên nhân hàng đầu do thiếu cân chiếm từ 38,1 đến 52,7%, tiếp đó là do ngạt, nhiễm khuẩn, dị tật bẩm sinh. Các yếu tố liên quan khác như: đẻ tại nhà, kém hiểu biết, lạc hậu, xa nhà, các cơ sở y tế chậm chuyển tuyến cũng như kiến thức sơ cứu, cấp cứu còn hạn chế.
Có một thực tế cho thấy thời gian qua, năng lực thực hành của nhân viên cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn (LMAT), chăm sóc sơ sinh (CSSS) còn rất hạn chế. Theo báo cáo rà soát của Bộ Y tế về người đỡ đẻ có kỹ năng cho thấy, ba kỹ năng quan trọng trong cứu sống mẹ và trẻ sơ sinh (Xử trí tích cực giai đoạn ba chuyển dạ), có 53% số đối tượng được quan sát cho biết thường xuyên thực hiện xử trí tích cực giai đoạn ba chuyển dạ. Nhưng chỉ có ba trong tổng số 69 đối tượng thực hiện chính xác các bước trên mô hình. Qua con số trên cho thấy chất lượng xử trí giai đoạn ba chuyển dạ là rất thấp. Một trong những yếu tố gây nên việc hạn chế thực hành các kỹ năng đã được học là do thiếu các trang thiết bị, thuốc men, vật tư, thiếu đào tạo định kỳ, kỹ năng hồi sức sơ sinh còn hạn chế; thiếu tự tin khi có biến chứng trong các ca sinh… Ngoài ra, sự hiểu biết về các dịch vụ quan trọng nhất giúp cứu sống bà mẹ và trẻ sơ sinh như: hiểu biết về kiểm tra tình trạng phụ sản và sơ sinh một giờ sau đẻ; hiểu biết về loại nhiễm khuẩn gây sốt sau đẻ một tuần; hiểu biết về tư vấn cho phụ sản sau đẻ, các dấu hiệu tiền sản giật, chảy máu còn rất thấp ở đội ngũ này. Ðặc biệt, trong một kết quả nghiên cứu tại 14 tỉnh về các kiến thức trên, có đến 25% số hộ sinh, y sĩ sản nhi không biết nguyên nhân phổ biến của chảy máu sau đẻ là đờ tử cung và còn có đến 6,3% nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi ở tuyến xã không biết bất kỳ một nguyên nhân nào…
Ngành y tế đã xác định trong những năm tới, công tác CSSKSS sẽ tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng nhất đó là: LMAT và CSSS, nhằm nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật, tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Việt Nam. Ðể thực hiện được mục tiêu trên cần kiện toàn, nâng cao năng lực thực hành, cũng như khắc phục những hạn chế đối với nhân viên cung cấp dịch vụ LMAT và CSSS. Kết hợp và tăng cường chặt chẽ giữa việc đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên môn và cung cấp các thiết bị, thuốc thiết yếu, cũng như cải tạo một cách đồng bộ chất lượng dịch vụ LMAT, CSSS; tăng cường giám sát hỗ trợ, nhất là giám sát hỗ trợ sau đào tạo nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành cho đội ngũ người cung cấp dịch vụ ở các tuyến. Xây dựng mô hình can thiệp cung cấp dịch vụ chăm sóc sản khoa thiết yếu cơ bản và toàn diện, trên cơ sở những kết quả thu được sẽ nhân rộng ra các địa phương trong cả nước… Tùy theo nhu cầu thực tế của từng vùng, từng địa phương, tăng cường tính tiếp cận văn hóa trong cung cấp dịch vụ thông qua các hoạt động như: đào tạo và sử dụng cô đỡ thôn, bản người địa phương trong cung cấp dịch vụ tại các thôn, bản người dân tộc thiểu số.
Theo TRUNG TUYẾN
(NhanDan)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)