Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Sữa mẹ ngừa được các trường hợp tử vong cho trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bú sữa mẹ, ngăn ngừa 13% các trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi
Nhân Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ (từ 1 đến 7-8-2011), Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe phối hợp với Trung tâm Dinh dưỡng và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe TP.HCM tổ chức hội thảo “Sữa mẹ – Cùng nói lời yêu thương”.
Tỷ lệ phụ nữ cho con bú ngày càng giảm
Bác sĩ (BS) Hoàng Kim Thanh – Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết: “Không có một thức ăn nào có thể thay thế được sữa mẹ, không có thức ăn nào đạt được độ dinh dưỡng như sữa mẹ. Tuy nhiên những năm gần đây, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam giảm đáng kể, đặc biệt là ở khu vực thành thị”. Tổng hợp từ Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2010 cho thấy, trẻ được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh là 61%. Trong đó, 70% là ở miền núi và nông thôn, ở thành thị chỉ có 30%. Nói về nguyên nhân của tình trạng này, TS.BS Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng: Các bà mẹ bị ảnh hưởng nhiều bởi những lời quảng cáo “có cánh” của các hãng sữa. Thậm chí có nhiều bà mẹ còn nhầm tưởng sữa mẹ không tốt bằng sữa bột. Bên cạnh đó, ở khu vực thành thị, các bà mẹ “từ chối” nuôi con bằng sữa mẹ còn có một phần do công việc. Với thời gian nghỉ hộ sản chỉ có 4 tháng, các bà mẹ khó lòng nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong thời gian 6 tháng đầu sau sinh. Không chỉ có vậy, theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM thì: “Nhiều bà mẹ sợ cho con bú sẽ làm xấu bộ ngực. Tuy nhiên, nếu chỉ sinh từ 1 đến 2 con thì việc cho con bú hoàn toàn không ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bộ ngực. Mặt khác, việc cho con bú sẽ giúp các bà mẹ giảm được 39% ung thư vú, 26% ung thư buồng trứng. Đặc biệt, nếu nuôi con bằng sữa mẹ, bà mẹ sẽ nhanh chóng lấy lại vóc dáng ban đầu. Bởi việc cho con bú làm giảm 500 kalo/ ngày của bà mẹ, tương đương với việc chạy bộ vài trăm mét. Không cho con bú, tuyến vú của bà mẹ không phát triển dẫn đến vú nhỏ. Thực tế tỷ lệ phụ nữ không cho con bú đặt túi ngực cao hơn phụ nữ cho con bú”.
Về mặt kinh tế, nếu nuôi con bằng sữa mẹ, mỗi năm các gia đình sẽ tiết kiệm được từ 1.200 đến 1.500 USD. Đặc biệt, đối với đứa trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ sẽ dễ mắc bệnh hơn. Nguy cơ béo phì, rối loạn chuyển hóa về sau cao hơn trẻ được bú mẹ.
Làm sao để có đủ sữa cho con bú
Nói về tính chất ưu việt của sữa mẹ, BS Diệp cho biết: “Trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú sữa mẹ trẻ sẽ lớn nhanh, phòng được suy dinh dưỡng. Sữa mẹ là dịch thể sinh học tự nhiên chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Trong sữa mẹ có những yếu tố miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể mà không một thức ăn nào có thể thay thế được nên trẻ được bú sữa mẹ ít mắc bệnh. Sữa mẹ có tác dụng chống dị ứng, trẻ bú mẹ ít bị dị ứng, ezema như ăn sữa bò”. Bà mẹ có thể giảm tiết sữa nếu cho con bú chậm sau từ 2-3 ngày; mẹ bị bệnh suy tim, lao, thiếu máu, suy dinh dưỡng, không tăng cân đủ khi mang thai; dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống dị ứng và thuốc aspirin. Trong trường hợp mẹ phải lao động nặng, còn quá trẻ (dưới 18 tuổi – tuyến vú chưa trưởng thành), lo âu, phiền muộn cũng khiến cho sữa ít.
“Muốn có sữa cho con bú thì người mẹ ngay trong thời kỳ có thai cần được ăn uống đầy đủ, có chế độ sinh hoạt hợp lý. Khi nuôi con bú, người mẹ cần ăn đủ, uống đủ và ngủ đủ, tinh thần phải thoải mái. Đặc biệt, người mẹ cần cho con bú thường xuyên và đúng cách”, BS Diệp cho biết thế.
Bài, ảnh: Kim Anh

“Nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp nuôi dưỡng tự nhiên và tối ưu đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Là biện pháp có thể tác động nhiều nhất đến sự sống còn trong 2 năm đầu đời của trẻ. Bú sữa mẹ hoàn toàn có thể giúp ngăn ngừa 13% các trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyến cáo.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)