Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Viêm tai giữa có thể gây thủng màng nhĩ ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

BS đang khám cho trẻ bị VTG. Ảnh: T.L

Trẻ nhỏ có tỉ lệ mắc bệnh viêm tai  giữa (VTG) cao nhất. Đối với các trường hợp VTG  không được điều trị đúng và kịp thời thì biến chứng thủng màng nhĩ rất dễ xảy ra.
“Thủ phạm” nguy hiểm
Anh Lê Trung Kiên (Q.Gò Vấp – TP.HCM) cho biết: “Lúc nhỏ con tôi bị viêm tai chảy mủ nhiều lần và bị thủng màng nhĩ. Mấy năm nay, năm nào tai cháu cũng chảy nước làm ảnh hưởng đến kết quả học tập”. Còn trường hợp con chị Mai Lan (tỉnh Bình Phước) thì: “Hai tháng trước tai phải của con tôi bị thủng màng nhĩ và chảy mủ. Tôi đã đưa cháu đi điều trị, hiện tai của cháu đã khô, không còn chảy mủ nhưng màng nhĩ vẫn thủng”. “Thủ phạm” chính gây ra các căn bệnh kể trên chính là bệnh VTG.
VTG là tên gọi chung để chỉ tình trạng viêm nhiễm ở bộ phận tai giữa (tai giữa là khoảng trống sau màng nhĩ). Bệnh thường liên quan đến sự thay đổi thời tiết, thay đổi môi trường, yếu tố dị ứng, khói thuốc lá… VTG cấp rất thường gặp ở trẻ em, có xu hướng tái phát và có thể trở thành mạn tính. VTG cấp gây chảy mủ ở trẻ em nếu được điều trị đúng sẽ khỏi bệnh sau vài tuần, hết chảy mủ tai, lỗ thủng màng nhĩ thường lành lại, trẻ nghe rõ bình thường. Ở thiếu niên và người lớn, nếu bị VTG thì khả năng lành lỗ thủng màng nhĩ thường thấp hơn ở trẻ em. Sau khi khỏi bệnh, nếu lỗ thủng màng nhĩ không lành kín lại được thì bệnh rất dễ tái phát khi để nước bẩn vào tai. Trẻ đi nhà trẻ có nguy cơ mắc bệnh VTG cao gấp 2,5 lần so với trẻ không đi nhà trẻ; trẻ sống trong môi trường tốt, trẻ bú sữa mẹ thì ít bị loại bệnh này hơn, và nếu mắc thì thời gian lành bệnh cũng nhanh hơn… Ở trẻ nhỏ chưa biết nói, thì cần lưu ý những biểu hiện sau để đưa trẻ đi khám kịp thời: Trẻ quấy khóc dữ dội khi ở tư thế nằm xuống, hoặc nghiêng về phía lỗ tai bị bệnh; hoặc khi cho trẻ bú, mà phía tai đau áp vào người mẹ, thì trẻ hay đưa tay quơ vào chỗ tai đau; còn trẻ lớn, thì có thể than đau bên tai bị bệnh, đụng vào trẻ càng đau hơn, sốt, chảy mủ tai…
Thủng màng nhĩ cần tránh đi bơi
Màng nhĩ có chức năng bảo vệ tai giữa và dẫn truyền âm thanh. Khi màng nhĩ bị thủng sẽ làm cho sức nghe giảm, tai giữa rất dễ bị nhiễm trùng. Ngoài “thủ phạm” chính là VTG, thủng màng nhĩ còn do các nguyên nhân như chấn thương trực tiếp: (Vật nhọn đâm vào, thường gặp trong các trường hợp này là bất cẩn trong khi lấy ráy tai để dụng cụ đâm vào màng nhĩ); chấn thương gián tiếp (khi áp lực quá mạnh tác động lên màng nhĩ, xảy ra khi bị người khác tát tai quá mạnh, hoặc do chấn thương bom mìn, hay lặn quá sâu…). Trường hợp thủng màng nhĩ do VTG thì triệu chứng không rõ ràng và diễn biến phức tạp. Thủng màng nhĩ đột ngột hay còn gọi là rách màng nhĩ sẽ gây đau nhói trong tai, ù tai, chảy máu tai, chóng mặt và điếc. Nếu chỉ rách màng nhĩ đơn thuần thì điếc nhẹ, nếu tổn thương sâu đến tai trong thì điếc nặng hơn. Thủng màng nhĩ do nhiễm trùng lâu ngày sẽ gây viêm xương chũm làm giảm sức nghe nghiêm trọng, gây ra những biến chứng nặng hơn do ổ viêm lan tỏa vào các vùng lân cận như: Viêm màng não, áp xe não, viêm xoang tĩnh mạch bên, liệt mặt… Để phòng ngừa thủng màng nhĩ, cần phải tích cực điều trị các bệnh về tai mũi họng vì có thể gây VTG, làm mủ dẫn đến thủng màng nhĩ, ảnh hưởng đến sức nghe và bị những biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, cần cảnh giác khi ngoáy những vật nhọn vào tai, tuyệt đối không tự ý ngoáy tai hoặc lấy ráy tai bằng các dụng cụ kim loại. Tuy nhiên, dù khỏi bệnh mà màng nhĩ chưa lành (hoặc không lành) thì cũng không nên bơi lội hay tắm ao hồ để tránh nước bẩn vào tai làm VTG tái phát.
BS. Trần Quý Ngọc
(Chuyên khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM)

Bình luận (0)