Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngáy khi ngủ có thể dẫn đến đột tử

Tạp Chí Giáo Dục

Ngáy to thường dẫn đến HCNTLN (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.L

Hội chứng ngưng thở lúc ngủ (HCNTLN) là một bệnh lý rất thường gặp. Tuy nhiên, đa số các bệnh nhân không biết là mình mắc bệnh mà chủ yếu là do người ngủ chung nhận thấy và đưa bệnh nhân đi khám bệnh.
Các triệu chứng nổi bật là: Ngáy to, không đều, xen kẽ với những đợt ngưng thở ngắn trong đêm, buồn ngủ  ban ngày quá mức. Tỷ lệ nam giới bị HCNTLN là 4%, ở nữ giới là 2%.
Nguyên nhân của HCNTLN
Vợ ông A. thường than phiền bị mất ngủ do tiếng ngáy của chồng quá to. Đã vậy có lúc ông ấy còn lên tông, có lúc lại xuống tông giọng ngáy. Đôi khi ông ấy ngưng ngáy và vùng vẫy trong giấc ngủ cho tới lúc thở lại được. Sau đó lại tiếp tục một đợt ngáy ồn ào mới và cứ như thế ông có nhiều đợt ngưng thở trong đêm. Còn ban ngày, ông ấy cứ than mệt, buồn ngủ và ngồi đâu thì ngủ đó. Có bữa ông chở bà đi chợ sáng, vừa lái xe vừa ngủ gật suýt chút là cả hai vợ chồng đâm đầu vào xe hơi. Sau sự kiện này, hai ông bà đã đi gặp bác sĩ để tư vấn và bác sĩ chẩn đoán ông bị  HCNTLN. Có nhiều nguyên nhân: Nguyên nhân ngoài tầm kiểm soát là do di truyền như đường thở bị hẹp, bất thường cơ thể học; tuổi trung niên: Càng lớn tuổi vùng họng càng hẹp lại, trương lực cơ vùng họng càng giảm; đường thở của nam giới hẹp hơn; cơ địa dị ứng; nguyên nhân do người bệnh gây ra như hút thuốc lá dẫn đến giãn các cơ vùng họng, gây sung huyết mũi và phổi. Người bệnh uống rượu và một số thuốc gia tăng độ giãn cơ vùng họng và lưỡi, từ đó dẫn tới ngáy to hơn. Tư thế nằm cũng gây nên HCNTLN, khi nằm ngửa dẫn đến giãn cơ vùng họng và làm tắc nghẽn đường thở. Thông thường có khoảng 45% dân số (cả em bé, trẻ em) trên thế giới có lúc ngáy nhưng thường không có chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu ngáy quá to có thể gây phiền toái cho người ngủ chung, kết quả là phải ngủ riêng, ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi, quan hệ bạn bè. Đặc biệt, ngáy trở nên nghiêm trọng khi xen kẽ với các đợt ngưng thở trong đêm, lúc này thì cần phải đi bác sĩ để được tư vấn.
Hậu quả và cách phòng bệnh
Hậu quả của HCNTLN làm giảm O2 – tăng CO2, loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, cao huyết áp. 30% bệnh nhân cao huyết áp bị HCNTLN. 20-40% bệnh nhân HCNTLN không giảm huyết áp vào ban đêm. Khoảng 50% bệnh nhân HCNTLN có cao huyết áp. Hậu quả nguy hiểm nhất là đột tử. Ban đêm các bệnh nhân HCNTLN thường thiếu O2 và dư khí CO2 trong máu do có nhiều đợt ngưng thở. Theo đó trong đêm, hệ thần kinh của họ bị xáo trộn, huyết áp trồi sụt liên tục, thành các mạch máu bị tổn thương và nhịp tim bị rối loạn. Những bất thường về thần kinh và điện sinh lý trên sẽ làm gia tăng nguy cơ đột tử trong đêm. Nhiều kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy, trong khoảng thời gian từ nửa đêm đến 6 giờ sáng đột tử do nguyên nhân tim mạch xảy ra trong 46% bệnh nhân bị HCNTLN, chỉ có 21% là bệnh nhân không có HCNTLN. HCNTLN làm rối loạn nhịp tim, nhịp tim chậm trong giai đoạn ngưng thở – giảm thở. Để tránh những nguy cơ tim mạch nguy hiểm có thể gây đột tử trong đêm các đối tượng có nguy cơ bị HCNTLN nên chủ động đến gặp các bác sĩ chuyên khoa giấc ngủ để làm chẩn đoán bệnh và điều trị sớm.
HCNTLN nếu không được điều trị sớm, sẽ gây ra nhiều biến chứng và được xem như là một gánh nặng cho gia đình và cả cộng đồng. Ngoài ra, bệnh nhân cần tổ chức lại lối sống. Cụ thể, ngủ tối thiểu 7 giờ/ngày; tránh hút thuốc và uống các như bia – rượu trước khi ngủ 4 tiếng, tránh uống thuốc ngủ hay kháng sinh Histamine trước khi ngủ, giảm cân, nằm nghiêng khi ngủ, quay đầu giường lên cao 10cm, tránh nằm gối cao, có thể đeo nẹp cổ đưa cằm ra trước.
BS. Nguyễn Xuân Bích Huyên
(Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng TP.HCM)

Bình luận (0)