Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Con trai không được khóc!”

Tạp Chí Giáo Dục

Đặt lên bàn thờ của ba dĩa bánh bao chay, thắp một nén hương, tôi thầm khấn: “Ba ơi! Vậy là con đã thực hiện được nguyện vọng của ba, trở thành một thầy giáo. Đây là tháng lương đầu tiên của con, hương hồn ba ở trên trời hãy về phù hộ cho con và thưởng thức món bánh bao chay mà ngày còn sống, ba rất thích ăn…”. Tôi mím chặt môi, cố gắng lắm để không bật ra tiếng khóc bởi không bao giờ ba muốn nhìn thấy con trai ba khóc…
Hồi con còn nhỏ, vì tranh giành những viên bi với đám bạn cùng xóm mà đánh nhau. Rồi con vừa khóc vừa chạy về nhà méc ba, ba nghiêm nét mặt bảo: “Nín ngay, con trai không được khóc!”. Ngay hôm sau đi học về, con đã nhìn thấy một bịch bi ba để trên bàn. Những lần đưa con đến trường trên chiếc xe đạp cọc cạch, ngang qua quầy bán bánh bao, ba đều dừng lại mua cho con chiếc bánh bao nhân thịt có trứng cút, còn ba thì ăn bánh bao chay. Nghe ba nói ba thích ăn bánh bao chay chứ tuổi thơ con đâu biết được rằng, túi tiền của ba không đủ mua hai cái bánh bao nhân thịt có trứng cút. Khi con ngủ ngon cùng những giấc mơ êm dịu thì ba phải thức dậy từ 3 giờ sáng để chở rau muống ra chợ bỏ mối. Những khi con học bài khuya, ba cứ quẩn quanh nhắc nhở: “Sao không ngủ sớm hả con?”. Rồi ba bưng nước, mắc sẵn mùng cho con. Tình thương của ba không thể lấy gì so sánh được… Ngày được tin thi rớt đại học, con thất vọng đến não nề. Thật khủng khiếp khi mình đã quá kỳ vọng vào một điều gì đó để rồi đau khổ ê chề khi nhìn thấy nó đổ nhào tan tành trong nháy mắt. Con trốn tránh ba (dù ba không nói gì). Con tìm ra quán cà phê đầu xóm ngồi lì ra đó “gặm nhắm” sự đau khổ một mình. Về nhà, lại chui vào mùng trốn, bỏ cả cơm. Con cố gắng lắm nhưng vẫn bật ra tiếng nấc. Chính lúc ấy, ba xuất hiện “Con trai không được khóc!”. Ánh mắt ba nhìn tôi thật bình thản, không trách móc cũng không an ủi thương hại. Ba nói: “Ba không thất vọng khi con thi rớt. Ba chỉ thất vọng khi thấy con ngã gục đầu hàng. Con còn trẻ, còn nhiều cơ hội mà. Thật ra trong đời ai cũng có một lần vấp ngã, nhưng cái quan trọng là phải biết tự mình đứng lên”. Bài học của ba giúp con thêm vững vàng, con lao vào ôn luyện. Khi con vui mừng khoác lên người chiếc áo sinh viên đại học sư phạm thì gánh nặng trên vai ba lại oằn thêm, nhưng nụ cười hạnh phúc và hãnh diện lúc nào cũng điểm trên môi. Con giấu ba xin vào làm chạy bàn cho một quán cà phê để kiếm thêm trang trải việc học hành, ba hay được gọi điện thoại lên mắng: “Cứ tập trung học hành, đừng phụ lòng ba, ba lo được mà…”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ba phải thức khuya hơn, chở rau muống nhiều hơn trên chiếc xe đạp cọc cạch…
Một chiều tháng 7 mưa ngâu, đang học năm thứ ba, con nhận được tin như sét đánh: ba mất đột ngột vì căn bệnh nhồi máu cơ tim khi đang ngồi cắt rau muống. Về với ba, con như người mất hồn nhưng phải cố gắng để không bật ra tiếng khóc vì “Con trai không được khóc!”…
Tôi thầm nói với hương hồn ba: “Con trai của ba giờ đã là một nhà giáo. Ngày ngày con vẫn đi dạy bằng chiếc xe đạp cọc cạch chở rau của ba ngày nào. Những đứa học trò nhìn con ái ngại: “Sao thầy không mua xe máy chạy cho khỏe”. Nhưng chúng đâu biết rằng, chiếc xe đạp đó là một kỷ vật vô giá và cũng là cả cuộc đời mà ba dành tặng cho con… Ba ơi!…”
NGUYỄN THANH PHƯƠNG (Tiền Giang)

Bình luận (0)