Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Nguyệt san” không đều

Tạp Chí Giáo Dục

Cháu năm nay 19 tuổi, 2 năm nay "nguyệt san" của cháu không đều. Cháu đã đi khám, bác sĩ kết luận không có vấn đề gì và có cho cháu uống một số thuốc. Khi cháu uống thuốc thì "nguyệt san" đều, ngừng thuốc thì tháng có tháng không. Cháu xin hỏi, có phải cháu mắc bệnh gì không?

Cháu Trang (Phường Cửa Nam, TP. Vinh)

Tập thể dục, thể thao hàng ngày giúp cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt.

Chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài từ 21 – 35 ngày. Nhưng ở tuổi dậy thì và đang phát triển, chu kỳ kinh nguyệt sẽ có nhiều biến động. Trong vài năm đầu tiên, chu kỳ kinh nguyệt không đều là điều hoàn toàn bình thường đối với tuổi của cháu.

Theo thư của cháu thì việc "nguyệt san" không đều không bắt nguồn từ bệnh lý. Vậy thì rất có thể, rối loạn của cháu là do một trong các nguyên nhân sau đây: thần kinh căng thẳng, cơ thể bị xúc động mạnh, hay thay đổi về thể trạng, môi trường đột ngột  cũng là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt (ở lứa tuổi của các em gái đang còn học phổ thông, nếu học hành, thi cử căng thẳng quá cũng có thể dẫn đến kinh nguyệt rối loạn); ăn uống không đủ chất; mắc bệnh béo phì hoặc quá gầy; dùng một số thuốc như thuốc tránh thai, thuốc giảm cân dẫn đến làm thay đổi các hormon sinh dục, gây rong kinh hoặc tắt kinh trong một thời gian dài.
Nếu là do các nguyên nhân trên, thì cách khắc phục rất đơn giản. Để cơ thể khỏe mạnh, đủ dưỡng chất, cháu nên bổ sung vào thành phần bữa ăn hàng ngày các nhóm thực phẩm giàu vitamin nhóm B như cá, thịt bò, trứng, sữa, pho mát… Nên ăn nhiều các loại rau và hoa quả, đặc biệt là những loại rau quả có màu đỏ đậm như cà chua, cà rốt… Hạn chế dùng các loại đồ ăn nhiều chất béo và các loại nước uống có chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá… Tập thể dục thể thao đều đặn hàng ngày. Việc học tập cần điều độ, có học tập, có nghỉ ngơi, có bồi dưỡng và có giải trí thoải mái, đúng mức…
Sau một thời gian thực hiện phương pháp trên, nếu tình hình vẫn không thay đổi, cháu nên đi khám lại. Tuyệt đối không dùng lại đơn thuốc của kỳ khám trước, hoặc dùng đơn thuốc của người khác khi không được bác sĩ sản phụ khoa cho phép, vì các thuốc điều trị rối loạn kinh nguyệt đều có chứa hormon, dùng không đúng cách sẽ rất có hại cho sức khỏe.
BS. Phương Thu (SK&ĐS)

 

Bình luận (0)