Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cảnh giác với bỏng ở trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hãy để mắt tới trẻ để tránh những tai nạn đáng tiếc. Ảnh: H.Tr
Tết, trẻ được nghỉ học, trong khi cha mẹ lại quá bận rộn với công việc gia đình nên ít để mắt tới trẻ. Hậu quả là rất nhiều tai nạn đã xảy ra, trong đó có tai nạn bỏng.
Trung bình mỗi năm, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 khám cho khoảng 2.000 trẻ bị bỏng và có 600 trẻ phải nhập viện điều trị. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 22 trẻ bị bỏng điều trị tại khoa Bỏng. Tình trạng này cũng tương tự tại BV Nhi đồng 2…
75% bỏng do nước sôi, canh, cháo nóng
Khoa Bỏng – Chỉnh trực, BV Nhi đồng 2 đã cấp cứu một trường hợp bỏng nước sôi ở trẻ nhỏ. Đó là bé Lê Văn D. 16 tháng ở Bình Dương, nhập viện ngày 22-11-2010. Theo mẹ của bé D. thì tranh thủ lúc bé đang chơi, chị đã đi nấu cơm. Trong lúc chị bắc nồi canh vừa chín đặt xuống đất thì bé D. chạy bổ lại khiến chị trở tay không kịp và bé đã té bật ngửa vào nồi canh, úp nguyên phần mông vào nồi. Hậu quả là bé bị bỏng toàn thân gồm bỏng lưng, ngực, 2 mông và bộ phận sinh dục, mức độ 2, tỷ lệ bỏng chiếm diện tích 12%.
Thương tâm nhất là trường hợp của bé Lê Văn V. (5 tuổi) quê ở Mỏ Cày, Bến Tre, nhập viện Khoa Bỏng – Chỉnh trực BV Nhi đồng 2 ngày 8-11-2010. Trước đó, ba của bé trong khi nấu cơm, thấy bếp dầu gần tắt lửa, ông cầm chai dầu hôi châm thêm vào bếp và nhờ bé V. cầm cái phễu rót dầu. Dầu tràn làm lửa phựt cháy và bé đã bị bỏng nặng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Tâm- Phó khoa Bỏng – Chỉnh trực, BV Nhi đồng 2 cho biết: “Bé V. bị bỏng vùng mặt, cổ, ngực kéo dài xuống 2 chân, nặng nhất là vùng cổ. Bỏng nặng đã khiến bé trở nên dị dạng”.
4 lời khuyên về xử lý bỏng tại nhà
Từ thực tế tại các bệnh viện cho thấy, có đến 80% trẻ bỏng dưới 6 tuổi. Ở tuổi này trẻ rất hiếu động, nhưng lại không ý thức được nguy hiểm. Đối với trẻ, thau nước sôi chuẩn bị pha tắm, ly, bình nước nóng chuẩn bị pha sữa, nồi canh đang dọn trên bàn, nồi cháo nóng vừa bắc ra khỏi bếp cho đến bình thủy chứa nước sôi để dưới đất đều có thể lôi kéo sự tò mò khám phá của trẻ và trở nên nguy hiểm. Bỏng nước sôi hay xảy ra ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ ở nhóm 1 – 4 tuổi. Hầu hết tai nạn bỏng xảy ra là khi trẻ đang ở một mình, lúc người lớn bận rộn và rời mắt khỏi bé. Cha mẹ lại hay để những vật chứa nước nóng trên bàn, dưới đất trong tầm nhìn của trẻ, khi trẻ với lấy nghịch làm đổ nước sôi vào người gây bỏng.
Bác sĩ Nguyễn Bảo Tường, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo: “Có 4 lời khuyên về cách thức xử lý khi trẻ bị bỏng tại nhà. Thứ nhất, người lớn nên làm mát vết thương bằng cách dội nước lạnh lên chỗ bị bỏng, sau đó che phủ vết bỏng bằng vải sạch và đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Thứ hai, hiện nay trên thị trường có bán một số loại thuốc xịt vết bỏng có tác dụng làm lạnh, giảm đau nhưng sau khi xịt cho trẻ, các bậc cha mẹ cũng nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được băng bó, chăm sóc vết thương đúng cách. Không nên để trẻ ở nhà và xịt nhiều lần vì có thể tạo thành lớp màng che vết bỏng và gây nhiễm trùng. Thứ ba, phụ huynh không nên dùng nước mắm, kem đánh răng… bôi lên vết bỏng, vì chẳng những không làm giảm tổn thương mà còn gây đau đớn hơn cho trẻ. Cuối cùng, phụ huynh chỉ sử dụng thuốc Đông y, Tây y ở giai đoạn đầu bị bỏng. Sau đó nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được theo dõi và đánh giá vết bỏng. Nếu cần thiết, các bác sĩ sẽ can thiệp ngoại khoa để hạn chế di chứng của bỏng”.
Gia Nguyên
Theo các bác sĩ chuyên khoa, nguyên nhân gây bỏng chủ yếu do tai nạn sinh hoạt, trong đó 75% do nước sôi, các loại canh, mì, xúp, cháo nóng; 15% do lửa như xăng, cồn, than, bếp tro; còn lại là do điện, hóa chất…

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)