Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chế độ ăn uống cho người bị đau bao tử

Tạp Chí Giáo Dục

Những cơn đau đến bất ngờ khi bị bệnh đau bao tử. Ảnh: T.LÊ

Theo BS. Trần Thiện Trung (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM), chính chế độ ăn uống không hợp lý, không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh đau bao tử. Vì vậy, việc điều chỉnh thói quen ăn uống đối với người mắc bệnh này đóng vai trò rất quan trọng.
Tỷ lệ bệnh đau bao tử cao
Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc bệnh đau bao tử cao, hơn 70% người lớn và 55% trẻ nhỏ. Anh Đức Minh (28 tuổi, kế toán trưởng của một công ty may mặc) gần đây có triệu chứng khó tiêu, ăn bất cứ cái gì cũng có cảm giác đầy bụng và trào lên cổ. Ăn xong, anh có cảm giác thức ăn cứ chặn ngay ở cổ, muốn ói nhưng ói không được. Do yêu cầu của công việc nên việc ăn uống của anh một thời gian không điều độ. Anh rất lo lắng không biết có phải mình bị đau bao tử không? Còn chị Hải My (giáo viên Trường THPT Tân An – Long An), cho biết: “Tôi đã bị đau bao tử 4 năm nay, hàng năm phải mất khoảng 4-6 tháng uống thuốc, đỡ rồi lại đau. Có khi đang giảng bài thì cơn đau đến bất ngờ không thể chịu nổi. Tôi đi khám rất nhiều nơi, nội soi bao tử, điều trị bằng nhiều cách nhưng cũng không hết hẳn”.
Theo BS. Trần Thiện Trung thì chứng đau bao tử là một bệnh kinh niên. Nó cứ đau rồi khỏi, khỏi rồi đau trở lại. Có nhiều nguyên nhân gây ra đau bao tử, trước tiên là do ăn uống thiếu điều độ, hút nhiều thuốc lá, uống rượu bia, tâm trạng lo âu, sử dụng dài hạn các loại thuốc kháng viêm giảm đau, hoặc khi bị mất ngủ, chịu áp lực công việc căng thẳng, stress… có khuynh hướng làm cho bao tử tiết nhiều axít hơn. Trước đây, để chẩn đoán đau bao tử, các BS thường dựa vào triệu chứng mà bệnh nhân mô tả và chụp X quang. Hiện nay, nội soi bao tử là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất. Tuy nhiên, phương pháp này thường làm bệnh nhân khó chịu và đau nên nhiều người rất ngại khi đi nội soi bao tử. Bệnh này rất dễ gây biến chứng nguy hiểm, cụ thể là xuất huyết bao tử, nếu có triệu chứng đi tiêu ra máu hoặc phân màu đen, ra máu thì nên lập tức đi khám BS. Đây là một triệu chứng nghiêm trọng của xuất huyết tiêu hóa, có thể gây tử vong.
Nên điều chỉnh thói quen ăn uống
Điều chỉnh lại thói quen ăn uống có thể giúp cho bệnh nhân giảm bớt sự khó chịu khi bị bệnh đau bao tử hoành hành trong cơ thể. Lưu ý ăn uống đều đặn, không ăn quá no, nên nhai kỹ, nuốt chậm. Ăn quá no sẽ làm dạ dày phồng căng, sinh ra nhiều axít có hại, dễ gây đau. Khi ăn nên nhai kỹ, nuốt chậm, vì trong khi nhai có thể tăng thêm sự bài tiết của nước bọt, nước bọt có tác dụng giảm axít và bão hòa axít có trong dạ dày. Chế biến mềm, nhừ thức ăn đồng thời ăn chậm nhai kỹ để giảm bớt áp lực cho dạ dày. Bệnh nhân cần tránh trà, cà phê đậm, rượu và thuốc lá, các gia vị như tiêu, ớt, giấm, mù tạt, sữa chua, hoa quả chua, dưa chua, cà muối, thức ăn lên men như tương, chao, mắm; không nên ăn những thức ăn cứng, thô ráp như các loại quả khô, lương thực cứng, rau cần, hẹ, dưa, măng… vì rất khó tiêu hóa. Không nên ăn những thức ăn sống, lạnh, thức ăn đã biến chất. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể uống thuốc xoa dịu tạm thời. Tất cả các loại antacidbán trên thị trường đều có thể xoa dịu chứng đau bao tử. Điển hình như các hiệu Mylantavà Maalox. Không nên dùng Aspirin bởi thuốc này chỉ có thể trị các chứng đau nhức thông thường, và thường làm bệnh bao tử tệ hơn. Nên bớt tiêu thụ chất sắt bởi nó có khả năng ăn mòn bao tử. Một trong những nguyên nhân gây bệnh đau bao tử còn bắt nguồn từ đời sống nội tâm của con người. Căn bệnh thường trở nặng hơn khi bệnh nhân phải lo nghĩ nhiều. Nếu bạn sống lạc quan sẽ giúp đẩy lùi căn bệnh này.
Thu Hiền

Bình luận (0)