Những người ở thung lũng Silicon đang truyền tai nhau việc Facebook đang trở thành Yahoo thứ hai. Tuy nhiên, với Mark Zuckerberg, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.
Mùa Đông vừa qua, Facebook đã hoãn việc trình làng thiết kế giao diện mới. Lý do là vì giao diện này chỉ trông đẹp mắt trên màn hình lớn và sắc nét, nhưng với màn hình nhỏ dùng công nghệ cũ lại không đẹp, mà phần lớn người dùng Facebook lại đang sử dụng loại màn hình thứ hai.
Facebook đã bỏ thiết kế giao diện mới đi và thay vào đó là một giao diện trông như từ thời năm 2009 nhưng lại phù hợp với điều kiện màn hình của đa số người dùng.
Mark Zuckerberg. (Nguồn: businessinsider.com)
Nếu Facebook không thể thay đổi thiết kế chỉ vì lượng người dùng lớn, công ty này đang rơi vào tình trạng hệt như Yahoo. Ngay từ những ngày đầu tiên, Yahoo đã phải đối mặt với một vấn đề đau đầu là không thể thử nghiệm những thay đổi táo bạo trên trang Yahoo.com vì sự phổ cập và số lượng người dùng quá lớn.
Điều này khiến Yahoo khó cạnh tranh với những công ty nhỏ khác, những nơi sẵn sàng thử nghiệm những thay đổi mà không sợ bị phụ thuộc. Về sau những công ty nhỏ trong đó có Google và Facebook đã phát triển và vượt mặt Yahoo chiếm lĩnh thị trường.
Facebook đang phải đối mặt với vấn đề tương tự: không thể thay đổi giao diện cho hiện đại và bắt mắt hơn vì điều này sẽ khiến 1 tỷ người dùng gia nhập từ năm 2004 thấy khó chịu. Do đó mà Facebook khó cạnh tranh với những công ty mới có khả năng xây dựng các mạng lưới xã hội thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh, tablet… với công nghệ hiện nay. Những công ty này không cần đến cả tỷ người dùng để phát triển.
Tin tốt cho cổ đông của Facebook là CEO Mark Zuckerberg đã nhận ra tình trạng của công ty và đang bắt đầu hành động. Zuckerberg đang sử dụng nguồn vốn thị trường khổng lồ của Facebook để thu mua các công ty nhỏ cung cấp các dịch vụ mà Facebook hiện không thể cung cấp trên trang Facebook.com. Trong 16 tháng qua Zuckerberg đã chi 22 tỷ USD để mua lại Instagram. Whatsapp,và Oculus.
Thực tế hơn 10 năm trước, Yahoo cũng đã cố gắng làm điều tương tự. Nhưng họ đã phạm phải một sai lầm lớn mà Zuckerberg đã tránh được: quá quan tâm tới cái giá chính xác phải trả cho những thương vụ thu mua lớn.
Một ví dụ điển hình của Yahoo là năm 2006, công ty này có thể mua lại một công ty nhỏ mới xuất hiện có tốc độ phát triển rất nhanh mà tính từ thời điểm đó đến nay đã đạt giá trị hơn 150 tỷ USD.
Ban giám đốc của Yahoo đã đồng ý để mua lại công ty trên với giá 1 tỷ USD. Nhưng vào phút chót, CEO của Yahoo là Terry Semel lại cho rằng 1 tỷ USD là quá đắt. Semel tới gặp CEO của công ty kia và nói rằng Yahoo chỉ sẵn sàng trả 850 triệu USD. Đó cũng là suy nghĩ của giám đốc tài chính của Semel, Sue Decker về giá trị thực sự của công ty nọ. Điều mà Semel không biết đó là CEO của công ty mới kia chưa bao giờ thực sự muốn bán công ty, nhưng lại nói với ban giám đốc rằng nếu có người ra giá 1 tỷ USD thì sẽ bán.
Do đó khi Yahoo ra giá 1 tỷ USD, vị CEO kia không còn cách nào khác phải đồng ý với ban giám đốc. Nhưng khi Yahoo hạ giá, đó lại là cơ hội cho vị CEO này hoàn toàn gạt bỏ thỏa thuận. Và thay vì tiết kiệm 150 triệu USD, Yahoo lại đánh mất cơ hội sở hữu một công ty đáng giá tới 150 tỷ USD.
Công ty đó là công ty nào? Chính là Facebook. Và vị CEO đã từ chối cái giá 850 triệu USD? Không ai khác ngoài Mark Zuckerberg.
Bài học ở đây là Facebook sẽ không đi vào vết xe đổ của Yahoo vì công ty sẵn sàng bỏ sổ tiền lớn để thu mua các công ty nhỏ. Zuckerberg đã học được từ Semel rằng khi đã quyết định bỏ số vốn lớn để thu mua thì không thể để thất bại chỉ vì muốn tiết kiệm một khoản tiền chỉ đáng một phần nhỏ so với giá trị tương lai của công ty định thu mua.
Trong giới kinh doanh công nghệ, việc thu mua chỉ có hai kết quả: hoặc là giúp công ty giải quyết được vấn đề đau đầu về cải tiến, hoặc là khiến công ty thất bại./.
Mai Nguyễn (Vietnam+)
Bình luận (0)