Thời điểm chuẩn bị cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 bắt đầu cũng là lúc khởi động cuộc cạnh tranh giành suất tài trợ cho các ứng viên từ các tập đoàn tiếng tăm. Chiến dịch kéo dài trong 2 năm nước rút sẽ càng gay cấn hơn khi mới đây, Tòa án Tối cao Mỹ cho phép mỗi cá nhân được đóng góp cho bầu cử sơ bộ tối đa 3,6 triệu USD, bỏ xa mức cũ là 123.200 USD.
Một số cử tri cho rằng không giới hạn số tiền tài trợ sẽ dẫn đến nạn tham nhũng.
Quyết định đột phá
Theo Financial Times, với 5/9 phiếu ủng hộ, Tòa án Tối cao Mỹ dưới sự chủ trì của Chánh án John Roberts ngày 3-4 đã biểu quyết thông qua quyết định trên.
Theo luật bầu cử hiện hành áp dụng cho các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014, mỗi cá nhân chỉ được phép chi tối đa 48.600USD để tài trợ trực tiếp cho những ứng viên mình yêu thích và 74.600USD để tài trợ những đảng phái mình ủng hộ. Như vậy, mỗi mạnh thường quân chỉ được phép bỏ ra tối đa 123.200USD để vận động tranh cử. Với phán quyết mới nhất của Tòa án Tối cao Mỹ, mỗi cá nhân có thể chi cho giai đoạn bầu cử tối đa là 3,6 triệu USD. Quy định này giữ một phần nội dung của quy định cũ là số tiền tài trợ tối đa cho mỗi ứng viên trong vòng bầu cử sơ bộ hoặc trong cuộc tổng tuyển cử là 2.600 USD. Bên cạnh đó là quy định số tiền ủng hộ cho một đảng phái chính trị tối đa là 32.400USD trong suốt một chiến dịch vận động. Tuy nhiên, nó bỏ đi quy định tiền tài trợ tối đa cho tất cả ứng cử viên. Nhiều chính trị gia nhận định quyết định này sẽ tạo lỗ hổng, tạo tiền đề để bóp chết cái gọi là công bằng trong bầu cử.
Theo Chicago Tribune, chính phủ của Tổng thống Obama không ủng hộ quyết định trên vì cho rằng nên giới hạn chặt chẽ số tiền vận động tài trợ ở mức vừa phải để tránh tham nhũng. Những đảng viên Cộng hòa ủng hộ quyết định mới cho rằng nó phù hợp theo Tu chính án thứ nhất của Mỹ, trong đó có việc tôn trọng tự do chọn lựa.
Cuộc đua của các đại gia
Trong chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, tỷ phú sòng bạc Sheldon Adelson, người Mỹ đã rót 93 triệu USD ủng hộ đảng Cộng hòa (bằng nhiều cách thức để tránh được quy định về giới hạn). Tỷ phú George Soros, nhà đầu tư tài chính kỳ cựu, đã đổ hàng chục triệu USD cho các tổ chức để hạ bệ ứng cử viên George W. Bush trong cuộc bầu cử năm 2004. Ông cũng góp số tiền không nhỏ để ủng hộ ông Obama tranh cử 4 năm sau đó. Mới đây, George Soros đã thuyết phục bà Hillary Clinton ra tranh cử cho cuộc đua sắp tới và cam kết sẽ không ngại chi tiền để vận động cho bà.
Trong năm 2010, Tòa án Tối cao Mỹ đã tuyên Citizens United (Liên minh công dân) thắng kiện trong vụ kiện với Federal Elections Commission (Ủy ban Tuyển cử liên bang). Theo đó, các chủ thể được quyền tài trợ gián tiếp, không bị hạn chế về số tiền cho các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống. Quyết định này đã dẫn đến việc ra đời các siêu ủy ban trung gian chuyên quyên góp tiền từ dân chúng và các tổ chức cho những hoạt động chính trị tại Mỹ, có tên gọi chính thức là Ủy ban Hoạt động chính trị Mỹ (Super PAC). Super PAC không ủng hộ trực tiếp mà thông qua hình thức mua không gian quảng cáo, thậm chí thay thế vai trò truyền thông của các ứng cử viên.
Đầu tư cho tổng thống tương lai là khoản đầu tư chắc chắn sinh lời. Cuộc đua cho vị trí tổng thống Mỹ năm 2016 được cho là sẽ rất gay cấn với sự tham gia nhiều hơn của các tập đoàn, đại gia tài trợ nhằm củng cố quyền lực.
Cuộc bầu cử giữa kỳ được tổ chức vào giữa nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống, nhằm chọn ra một số ghế trong quốc hội và một số ghế thống đốc tiểu bang.
Quá trình bầu cử Tổng thống Mỹ gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn bầu chọn các ứng cử viên của các đảng gọi là Bầu cử sơ bộ và giai đoạn chính thức bầu tổng thống từ trong số các ứng cử viên gọi là Tổng tuyển cử.
NHƯ QUỲNH tổng hợp
SGGP
Bình luận (0)