Cua đồng là thực phẩm rất quen thuộc, nhất là với các gia đình miền quê. Không chỉ dùng làm món ăn, cua đồng còn là vị thuốc hay
Cua đồng có thể làm vị thuốc – Ảnh: Khánh Vy |
Cua đồng là thực phẩm rất quen thuộc, nhất là với các gia đình miền quê. Không chỉ dùng làm món ăn, cua đồng còn là vị thuốc hay.
Công dụng
Theo Đông y, cua đồng có tên điền giải, vị mặn, mùi tanh, tính mát, tác dụng thanh nhiệt giải độc, làm mạnh gân xương, tan máu tụ, giãn cơ, chữa mụn nhọt, sưng tấy, viêm cơ, sốt nóng, tiêu hóa kém. Để làm thuốc, cua được dùng riêng hoặc phối hợp với các vị khác.
Theo kinh nghiệm dân gian từ lâu, để giúp trẻ con cứng cáp, nhanh biết đi, người ta thường dùng cua đồng làm sạch, bỏ chân, càng, mai và yếm, chỉ lấy mình cua đem rang nhỏ lửa cho vàng và khô, giã nhỏ, rây lấy bột mịn. Hằng ngày, dùng bột cua này (mỗi lần 1-2 thìa nhỏ) đem khuấy với bột gạo cho trẻ ăn.
Phòng bệnh còi xương cho trẻ: cua đồng 100 gr, giã nhỏ lọc lấy nước, rồi dùng nước này nấu cháo cho trẻ ăn hằng ngày. Kết hợp cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng 15 phút, 2-3 lần/tuần.
Chữa máu bầm, máu tụ do vấp ngã hoặc do tai nạn lao động: mai và chân cua đồng (đã sao vàng) 30 gr, và các vị thuốc xuyên khung 10 gr, tô mộc 20 gr, ngải diệp 10 gr, kê huyết đằng 16 gr, nam tục đoạn 18 gr, thổ phục linh 20 gr, cỏ xước 16 gr, bưởi bung 16 gr, đinh lăng 16 gr, quế tâm 8 gr, cam thảo 10 gr. Đem tất cả sắc (nấu) lấy nước uống trong ngày. Công dụng giúp làm tiêu máu bầm, thông mạch, giảm đau, thư giãn cơ.
Chữa đau răng, đau lợi do vị nhiệt: cua đồng nấu với khổ qua (mướp đắng) để ăn hằng ngày.
Lưu ý
Do cua đồng có tác dụng phá khối u, tống xuất khối cục tồn đọng nên Đông y khuyên phụ nữ có thai tránh ăn cua đồng. Người đau ốm mới khỏe, hệ thống tiêu hóa còn yếu cũng không nên ăn cua đồng lúc này. Người có biểu hiện tỳ vị hư hàn (cảm giác sợ lạnh) cũng cần hạn chế dùng cua đồng. Nếu đang bị tiêu chảy thì không ăn. Gạch cua có nhiều cholesterol, nên người huyết áp cao, bệnh tim mạch cần hạn chế dùng. Cua đồng cũng chứa nhiều natri và purin nên không thích hợp cho người bị bệnh gout (thống phong).
Trong sách Nam dược thần hiệu, danh y Tuệ Tĩnh đã lưu ý: “Cua đồng thì kiêng thứ sáu chân hoặc bốn chân, mắt đỏ, bụng dưới có lông, trong bụng có xương, đầu lưng có chấm sao, chân có khoang thì chớ ăn mà hại người, nên cẩn thận”. Một số người dễ bị dị ứng với cua, sau khi ăn nổi mề đay khắp người cũng cần cẩn trọng.
Một số người có thói quen ăn cua đồng sống, hoặc nấu chưa chín có thể bị bệnh sán lá phổi do ký sinh trùng. Ký sinh trùng sống bám trên cua đồng, khi vào tới ruột người, gây ra các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, sau đó chúng đến phổi gây ho, đau tức ngực, khó thở, nóng sốt, nổi mề đay. Nếu sán cư trú ở gan thì tạo áp xe gan.
Khi ăn cua, nên ăn cùng lá tía tô, gừng để giảm bớt tính hàn (lạnh) của cua.
Theo TNO
Bình luận (0)