Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Gần 19.000 ca mắc tay chân miệng trong tháng 11

Tạp Chí Giáo Dục

Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê ngày 25.11 cho hay, chỉ trong tháng 11 trên địa bàn cả nước đã có thêm 18.700 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có 23 ca tử vong.

Tính chung từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 90.200 trường hợp mắc TCM, 153 ca tử vong vì căn bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Ninh Thuận là địa phương đầu tiên trên cả nước công bố dịch vì số mắc đã tăng vọt lên đến vài chục lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Các tỉnh thành khác như Quảng Ngãi, Đồng Tháp, TP. HCM… dù số mắc và tử vong cũng đã lên đến con số “khủng” nhưng vẫn nhắc đi nhắc lại điệp khúc “dịch đang trong tầm kiểm soát” và chưa đến mức phải công bố?.
Dù đã có văn bản hướng dẫn cụ thể nhưng các địa phương vẫn "chần chừ" công bố dịch. Ảnh minh họa.
Để đánh giá đúng thực trạng tình hình dịch bệnh hiện nay, ngày 16.11 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thực hiện công bố dịch đến các Sở Y tế tỉnh thành trực thuộc T.Ư và Viện vệ sinh dịch tễ/ Pasteur. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 ngày kể từ khi có văn bản hướng dẫn, nhiều địa phương được cho là điểm "nóng" vẫn chưa có động tĩnh công bố dịch.
Trong văn bản, Bộ Y tế đã cụ thể hóa hơn các điều kiện công bố dịch. Theo đó, địa phương cần công bố dịch khi số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường (số mắc tăng cao vượt quá số mắc trung bình 5 năm tại thời điểm cụ thể của từng bệnh truyền nhiễm ở địa phương).
Điều kiện thứ hai là khi có ít nhất một trong 4 yếu tố nguy cơ: đã thực hiện đúng các hướng dẫn chống dịch của Bộ Y tế mà số mắc vẫn tăng; có sự biến đổi tác nhân gây bệnh làm tăng nguy cơ tử vong mà chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch có tỉ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa ảnh hưởng nhiều tới các hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống của người dân hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng hoạt động phòng chống dịch của ngành y tế.
Nếu chiểu theo hướng dẫn này thì sẽ có rất nhiều địa phương phải tiến hành công bố dịch TCM do số mắc tăng cao so với cùng kỳ và số lượng bệnh nhân giảm không đáng kể. Tuy nhiên từ khi ban hành văn bản hướng dẫn này vào ngày 16.11 đến hôm nay 25.11, các địa phương vẫn “im hơi lặng tiếng” chưa dám đứng lên công khai dịch bệnh.
Theo Bộ này, tại một số tỉnh số ca mắc vẫn có chiều hướng gia tăng (chủ yếu là các tỉnh phía Bắc); tổng số trường hợp mắc, tử vong trên toàn quốc có giảm nhưng rất chậm nguyên nhân là do bệnh không có vaccine phòng, không có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc giảm mắc chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức và kỹ năng thực hành vệ sinh cá nhân của bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Trong khi đó theo thống kê hàng năm, các tháng cuối năm thường có số mắc cao nhất do đây thời điểm thuận lợi cho tác nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ tồn tại và phát triển.
Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ mắc bệnh tại các nước trong khu vực hiện cũng đang tăng cao so với các năm trước. Chẳng hạn: Nhật Bản: 2,5/1.000 dân; Singapo: 3,4/1.000 dân. Tại Việt Nam tỷ lệ mắc là 1,0/1.000 dân, thấp hơn một số nước.
Bộ Y tế cũng cho hay, khi các địa phương đã công bố dịch sẽ phải thành lập Ban chỉ đạo chống dịch trong vòng 24 giờ và triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25.10.2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch và công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, tham mưu chính quyền tập trung ưu tiên lãnh đạo chỉ đạo trong việc điều hành sự phối hợp các ngành, đoàn thể, nguồn nhân lực, vật tư trang thiết bị, kinh phí… để nhanh chóng dập dịch.
Dương Hải
Theo Lao Động

 

Bình luận (0)