Chỉ một ngày trước khi người đứng đầu của Bộ Y tế lên diễn đàn trực tuyến về công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, dư luận cả nước đã có những phút giây hồi hộp dõi theo diễn biến của ca phẫu thuật cho bệnh nhân “chân voi” Nguyễn Duy Hải, thực hiện tại Bệnh viện FV – một bệnh viện do nước ngoài đầu tư 100%, vào ngày 5-1
Không hồi hộp sao được khi mà ca phẫu thuật, dù được chính bác sĩ McKay McKinnon- chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật các khối u khổng lồ – làm “nhạc trưởng”, nhưng ê kíp phẫu thuật vẫn công bố chỉ đủ tự tin 50% thành công. Bi kịch của y học là vậy: Cẩu thả là điều cấm kỵ nhưng không hẳn lúc nào cũng phải hội đủ 100% sự tin tưởng thì mới chịu ra tay cứu người bệnh.
Phải sau 11 giờ liên tục, ca phẫu thuật mới hoàn tất được việc bóc tách khối u quái dị ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Chưa phải là lúc công bố thành công nhưng ít nhất đã có nhiều người thở phào nhẹ nhõm. Họ là những người lâu nay sẻ chia với nỗi đau của anh Hải và đã chung tay góp cho anh hàng trăm triệu đồng. Ca phẫu thuật cũng đã thực sự để lại dấu ấn đặc biệt trong dư luận trong và ngoài nước. Cho nên, ngoài việc “thu tượng trưng” 252 triệu đồng thì FV đã lãi lớn trong việc quảng bá thương hiệu.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi vì sao ca phẫu thuật đặc biệt này lại được thực hiện ở FV chứ không phải là một bệnh viện công lập nào trong hệ thống y tế Việt Nam khi mà chỉ mới đây thôi, bệnh nhân Hải phải vất vả mang cái “chân voi” về TPHCM không ít lần để thực hiện những cuộc chẩn đoán hoành tráng bởi chuyên gia của nhiều đầu ngành, đến từ nhiều bệnh viện trong danh nghĩa chẩn đoán liên viện. Cuối cùng thì thông điệp được Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đưa ra vào cuối tháng 11-2011 là không phẫu thuật được cho anh Hải và cũng không biết lúc nào sẽ phẫu thuật.
Bệnh viện FV không phải là bệnh viện đầu ngành về ung bướu trong hệ thống y tế nước ta và cũng đang khó khăn lắm mới hy vọng có đủ các loại danh hiệu cao quý như các bệnh viện công lập. Ngay với ca phẫu thuật này họ cũng không tự làm được mà phải vời đến “nhạc trưởng” McKay McKinnon và ê kíp mà chính Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã mời đến Việt Nam để chẩn đoán cho bệnh nhân Hải mới cách đây 2 tháng.
Giữa lúc ngành y tế đang bận rộn với những căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa về quá tải, về y đức, về những tố cáo bằng gian và thuốc dỏm… thì cách làm như Bệnh viện FV đáng để ví như là một quả vô lê tuyệt đẹp, sút thẳng vào khung thành còn quá nhiều vấn đề của y tế Việt Nam.
Theo LƯƠNG DUY CƯỜNG
(nld)
Bình luận (0)