Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trị liệu tâm lý chữa rối loạn nhân cách

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Có nhiều vụ án, câu chuyện đáng tiếc đã xảy ra mà khi người ta nhận ra hậu quả thì đã quá muộn. Có trường hợp còn rất trẻ nhưng coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội, có những hành động quá khích, không làm chủ bản thân… Đó là những biểu hiện của rối loạn nhân cách, thường không thể lường trước nguy cơ.

Nhân cách là đặc điểm tâm lý của một người và làm cho người này khác người kia. Sự hình thành nhân cách do yếu tố bẩm sinh và môi trường. Gần đây, các nhà khoa học khi nghiên cứu nhân cách thường nhắc nhiều đến môi trường. Môi trường gần nhất ảnh hưởng nhân cách là gia đình, nhà trường và nơi sinh sống.

Ai cũng có thể bị rối loạn nhân cách
Ba tháng trước, một người mẹ ở Hà Nội đưa cậu con trai chưa tròn mười tuổi tới khám vì cháu có những biểu hiện khác thường. Long, tên cậu bé, tự dưng học hành sa sút, không tập trung, thích xem các trang mạng có nội dung không lành mạnh. Khi bị ngăn cấm thì Long tỏ ra khó chịu, bực tức, trở nên lầm lì, ít nói. Gặp bác sĩ, Long tâm sự cứ có thời gian rảnh, cháu chỉ muốn vào ngay mạng và các trang web “đen”, dù biết điều đó không nên. Người lớn càng cấm, cháu càng say mê. Đây chính là những biểu hiện ban đầu của rối loạn nhân cách. Bệnh nhân nếu rơi vào tình trạng này kéo dài sẽ không kiểm soát được hành vi của mình. Đáng ngại nhất, họ sẽ có những cơn hoảng sợ, lo âu đi kèm với những triệu chứng như cảm thấy bế tắc, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung. Nhiều người bị nặng hơn còn có những hành động không kiểm soát, gây hậu quả đáng tiếc như tấn công người khác, thậm chí giết người.
Về lý thuyết, khi bước vào độ tuổi 11 – 12 thì nhân cách đã hình thành. Thay đổi là rất khó. Tuy nhiên, những người đã bước qua giai đoạn này, thậm chí ở tuổi trưởng thành vẫn bị ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài như môi trường. Chính vì thế, có những người dù lúc nhỏ rất ngoan nhưng sau đó sống trong môi trường xấu, đã sinh các tật xấu như nghiện hút, tính tình thay đổi, thích đánh nhau. Tuy số lượng không nhiều nhưng thực tế vẫn có những trường hợp bị rối loạn nhân cách khi đã trưởng thành. Đã từng có những người hiền lành, thật thà nhưng khi vào môi trường làm việc có quá nhiều cám dỗ, lâu dần người này đã ít nhiều thay đổi tâm tính như sống cơ hội hơn, tinh quái hơn. Số người khác thì sinh lòng tham rồi có những việc làm phi pháp. Đó cũng chính là biểu hiện của rối loạn nhân cách.

Một số dạng rối loạn nhân cách:

– Nhân cách bùng nổ chống đối xã hội
– Các rối loạn về phân định giới tính
– Rối loạn nhân cách dạng phân liệt
– Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định
– Rối loạn nhân cách kịch tính
– Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức
– Rối loạn nhân cách lo âu
– Rối loạn nhân cách phụ thuộc.
Không phải bệnh nên không có thuốc chữa
Rối loạn nhân cách gồm nhiều dạng khác nhau, tác động lên hầu hết thái độ và hành vi của người mắc. Vấn đề thường gặp là sự cản trở trong duy trì các mối quan hệ xã hội. Những người bị rối loạn nhân cách có hành vi và cảm xúc khác thường. Hiện có rất ít nghiên cứu nguyên nhân của tình trạng này. Tuy nhiên, qua quá trình khám và điều trị thì thấy yếu tố môi trường tác động chủ yếu đến rối loạn nhân cách. Tỷ lệ rối loạn nhân cách ở nam thường cao hơn nữ, và ở thành phố cao hơn nông thôn. Nếu các thành viên trong gia đình có quan tâm đến nhau thì sẽ dễ dàng phát hiện những triệu chứng ban đầu của rối loạn này, như trẻ bỗng trở nên ăn mặc càn quấy, cãi lại cha mẹ, hỗn láo với thầy cô, thậm chí có biểu hiện hành hạ súc vật, đập phá tài sản… Vì đây không được coi là bệnh nên cũng không có thuốc nào chữa khỏi. Phương thuốc hiệu nghiệm nhất là loại trừ, hạn chế đến mức thấp nhất những nhân tố độc hại xuất phát từ gia đình hoặc xã hội, đầu độc môi trường phát triển nhân cách của trẻ.
Khi trẻ bị rối loạn nhân cách, nếu không can thiệp kịp thời, sẽ mang theo tình trạng rối loạn đó lớn lên. Tốt nhất, nếu phát hiện trẻ có biểu hiện rối loạn, nên đưa đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý sớm. Không có thuốc nào chữa khỏi rối loạn nhân cách mà chỉ có trị liệu tâm lý.
TS.BS Đinh Đăng Hoè (*)
Lệ Hà ghi
SGTT
(*) Nguyên trưởng phòng điều trị ngoại trú, viện Sức khoẻ tâm thần, bệnh viện Bạch Mai; chuyên gia tâm lý và sức khoẻ tâm thần, bệnh viện Hồng Ngọc, Hà Nội.

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)