Y học đã chứng minh sự phát sinh của bệnh động mạch vành tim liên quan mật thiết với việc ăn uống. Điều đặc biệt lưu ý đối với người đã mắc bệnh này là không ăn quá no, bữa tối ăn quá no lại càng nguy hiểm.
Những món ăn chế biến từ cà rốt, khoai lang rất tốt cho người bệnh động mạch vành tim. Ảnh: K.Hương
|
Bệnh động mạch vành tim thường khởi phát ở người 40 tuổi trở lên và những người lao động trí óc nhiều, người bị mỡ trong máu cao, cao huyết áp, hút thuốc lá nhiều… Y học đã chứng minh được sự phát sinh của bệnh động mạch vành tim liên quan mật thiết với việc ăn uống.
Cụ thể là nếu thường xuyên ăn no, ăn nhiều mỡ, ăn mặn sẽ tổn thương tì vị, không vận hóa được chất tinh của thức ăn uống, thấp tích thành đờm, phạm đến ngực và tim, dương ở ngực bị cản trở, huyết mạch không thông sẽ gây ra bệnh này.
Người đã bị bệnh động mạch vành tim hằng ngày phải kiêng các thức ăn có lượng mỡ và cholesterol cao, như: thịt mỡ, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà, trứng cá và bơ.
Những thức ăn gây béo này nếu ăn quá độ sẽ làm cho cholesterol tích lắng ở thành động mạch, làm cho động mạch xơ cứng nhanh, gây ảnh hưởng tới động mạch vành của người bệnh.
Tốt nhất là nên ăn uống thanh đạm, ít tanh và có sự phối hợp với các loại thức ăn khác như rau tươi giàu vitamin, trái cây, các loại đậu có hàm lượng protein thực vật cao, các thức ăn chế biến bằng đậu, thịt nạc, cá nước ngọt…
Điều đặc biệt lưu ý đối với người bị bệnh động mạch vành tim là không nên ăn quá no, nhất là những người sau khi ăn thấy đau tim co thắt thì càng phải chú ý. Trong cuốn Thiên kim yếu phương có nói: “Đừng để quá đói mới ăn, ăn không quá no; đừng để quá khát mới uống, uống không quá nhiều.
Ăn uống quá nhiều sẽ thành tích tụ, khát uống quá nhiều sẽ thành đàm ẩm”. Điều đó nói lên rằng ăn uống phải có chừng mực, đừng ăn uống thô bạo để tránh cho dạ dày và ruột phải gánh vác nặng nề. Bởi vì quá no thì thức ăn trong quá trình tiêu hóa có thể làm tăng gánh nặng cho tạng tim, khiến sự co bóp của tim bị hạn chế.
Bữa tối ăn quá no thì càng nguy hiểm hơn. Bởi khi đi ngủ, lưu thông trong máu sẽ chậm lại, quá no làm mỡ trong máu tăng lên, nó dễ tích lắng ở thành huyết quản ảnh hưởng đến tính đàn hồi của mạch máu, dẫn tới xơ cứng động mạch. Vì vậy, cấm kỵ ăn no, thực hiện ăn uống điều độ là một phương pháp dự phòng chủ yếu.
Món ăn tốt cho người bệnh động mạch vành tim
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội), người mắc bệnh động mạch vành tim nên đề cao việc ăn uống thanh đạm, nên ăn nhiều thức ăn giàu vitamin C (rau cải tươi mới, dưa quả) và thực vật giàu đạm (như các loại đậu và chế phẩm của chúng), dùng dầu thực vật (dầu đậu, dầu cải, dầu vừng, dầu bắp…). Một số món ăn sau đây rất tốt cho người bị bệnh động mạch vành tim:
– Cháo sữa đậu nành: 50 ml sữa đậu nành, 50 g gạo, vo sạch. Sữa đậu nành và gạo cùng đem nấu cháo đến khi cháo nhừ thì nêm muối hoặc đường vừa ăn. Ăn lúc còn nóng có tác dụng tiêu đờm, bổ trung, chữa tâm khí không đủ. – Cháo tỏi: 30 g tỏi bóc vỏ, bỏ vào nước sôi luộc khoảng 1 phút vớt ra. Lấy 100 g gạo bỏ vào nước tỏi nấu cháo, lại lấy tỏi bỏ trở vào cháo, nấu chín. Ăn thay bữa ăn sáng và chiều có tác dụng giảm mỡ thông dương. Món này rất tốt với người bệnh động mạch vành tim. – Cháo cà rốt, khoai lang: Cà rốt 1 củ, khoai lang 1 củ rửa sạch, gọt bỏ vỏ, thái hạt lựu. Gạo tẻ 50 g vo sạch, cho tất cả vào nồi cùng 1 lít nước, ninh nhừ thành cháo. Khi ăn cho thêm muối hoặc đường vừa ăn. Ăn nóng vào buổi sáng và bữa tối. Có tác dụng giảm mỡ máu chứa xơ cứng động mạch vành. Đặc biệt, khoai lang là một trong những món ăn rất tốt cho những người mắc bệnh động mạch vành tim. – Sinh tố dưa leo, lá sen, gừng: Dưa leo 2 quả, lá sen tươi, non 1 cái, gừng 5 lát. Tất cả rửa sạch, thái thành miếng nhỏ, cho vào máy sinh tố xay nhuyễn, cho thêm 300 ml nước sạch khuấy đều rồi lọc hoặc vắt lấy nước, bỏ bã, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống không hoặc cho thêm đường. – Trà tiêu mỡ: Thành phần cho 1 kg trà gồm hà thủ ô đỏ 200 g, hoa cúc vàng 200 g, lá sen (hà diệp) 15 g, hạt muồng (thảo quyết minh) 300 g, nấm linh chi 100 g, cỏ ngọt 50 g. Tất cả đem xay thô, trộn đều rồi sao khô. Khi dùng như pha trà hoặc cho vào túi vải thưa sắc uống mỗi lần 30 g thay nước, có tác dụng làm giảm mỡ máu, chắc thành động mạch, điều hòa huyết áp. Ng.Dung ghi
|
Theo Bác sĩ Nguyễn Đức Lê / Người Lao Động
Bình luận (0)