Ở chốn núi rừng như vùng Bảy Núi – An Giang, rắn độc nhiều vô kể. Tuy nhiên, chúng không còn là nỗi khiếp hãi của người dân khi trong vùng xuất hiện các “thần y”.
Chưa đầy 30 tuổi nhưng ông Chau Sóc Kol, sư cả chùa Phnom Pi Lơ dưới chân núi Nam Quy ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn – An Giang, đã nổi tiếng khắp vùng Bảy Núi vì tài trị rắn độc cắn. Ông đã cứu hàng trăm người bị rắn độc cắn thoát chết.
Bí quyết chân truyền
Sư Chau Sóc Kol là đệ tử của sư Chau Som, “thần y” trị rắn nổi tiếng một thời ở Bảy Núi. Chùa Phnom Pi Lơ do sư Chau Som xây dựng cách nay hơn 50 năm. Lúc đó, vùng Bảy Núi còn rất hoang sơ. Thường xuyên gặp cảnh người dân bị rắn độc cắn lìa đời, sư Chau Som đã dốc lòng tìm thầy học cách trị rắn.
Ông Tư Duyên hái môn rừng bào chế thuốc chữa trị nọc rắn
Sư Chau Sóc Kol nhớ lại: “Thầy tôi đã học được bài thuốc bí truyền trị nọc rắn độc của ông Tà Huôl, người ở cách núi Nam Quy một cánh rừng hiểm trở. Khi đã thông thạo, ông về chùa bắt đầu làm thuốc cứu người. Tiếng lành đồn xa, nhiều người bị rắn độc cắn ở khắp nơi đều đến nhờ ông cứu chữa.
Một hôm, có 3 người bị rắn hổ cắn được đưa đến chùa cùng lúc. Trong đó, một người do ở quá xa, bị rắn cắn đã lâu, nọc độc lan toàn thân nên thầy tôi không thể cứu kịp. Ông buồn quá đi lang thang trong rừng, tình cờ gặp một con rắn độc đang run rẩy tìm cách cố thoát khỏi một bụi cây lạ.
Thầy tôi nhổ cây này về nghiên cứu, kết hợp với bài thuốc đã học, ông chế được nhiều loại thuốc giải độc rắn rất hiệu nghiệm. Cây lạ đó là ngải rừng Pro-ti-puốt. Đến khi mất, thầy tôi đã cứu sống không dưới 1.000 người bị rắn độc cắn”.
|
“Thần y” Chau Sóc Kol và loại ngải Pro-ti-puốt, khắc tinh của nọc độc rắn
|
Trong số nhiều đệ tử đang tu học tại chùa Phnom Pi Lơ, sư Chau Som chọn Chau Sóc Kol để truyền các bài thuốc giải nọc độc rắn. Chau Sóc Kol vào chùa tu học từ năm 14 tuổi và trong suốt 10 năm được sư phụ truyền dạy, ông đã nhanh chóng lĩnh hội được cách điều chế các bài thuốc quý.
Khi tuổi già sức yếu, sư Chau Som quyết định giao quyền quản lý chùa Phnom Pi Lơ cho đệ tử chân truyền của mình coi quản. Năm 2005, sư Chau Som qua đời, Chau Sóc Kol trở thành sư cả khi mới 23 tuổi. Từ những bí quyết được sư phụ chân truyền, sư Chau Sóc Kol nhanh chóng nổi tiếng nhờ các bài thuốc trị rắn hiệu nghiệm như thần. Danh xưng “thần y” trị rắn cũng đã được nhiều người tặng cho nhà sư trẻ này.
Ông Đỗ Văn Thạnh, một người buôn bán tại thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên – An Giang, từng được “thần y” Chau Sóc Kol cứu sống khi tính mạng đã treo đầu sợi tóc do rắn độc cắn. Ông Thạnh kể: “Rạng sáng hôm đó, tôi mở cửa chuẩn bị dọn hàng ra bán thì bất ngờ bị một con rắn mổ vào tay. Tôi không biết nó là rắn độc nên vẫn loay hoay làm việc. Khoảng một giờ sau, tôi thấy choáng váng, toàn thân tím tái rồi nằm lăn ra đất. Người nhà đã đưa tôi sang tận núi Nam Quy nhờ sư Chau Sóc Kol chữa trị. Khi đã được cứu mạng, tôi xin trả ơn nhưng sư nhất định không chịu nhận bất cứ thứ gì”.
Ông Thạnh thán phục: “Sư còn khuyên tôi dù có khó khăn, nghèo khổ đến mấy nhưng cũng phải tìm cách giúp đỡ người khác”.
Thầy Tư Tà Ngáo
Bài thuốc từ thiên nhiên
Trong khuôn viên chùa Phnom Pi Lơ, chúng tôi thấy nổi bật một vườn thuốc nhỏ luôn xanh tốt. Các loại cây cỏ trị nọc rắn này được “thần y” Chau Sóc Kol sưu tầm từ nhiều nơi mang về trồng.
Chỉ những cây khô ngoằn ngoèo trên mặt đất, sư Chau Sóc Kol cho biết đó là ngải Pro-ti-puốt, khắc tinh của nọc độc rắn. “Nhìn thấy khô cằn vậy chứ ngải Pro-ti-puốt sống rất mạnh. Mùa khô cây rụng hết lá, củ ẩn dưới lớp đất đá nhưng không bao giờ chết. Đầu mùa mưa, ngải lại xanh tốt, nhảy củ khắp nơi. Có lẽ chính sức sống tìm tàng đó khiến loại cây này kháng được nọc rắn cực độc” – “thần y” nhận xét. Những bài thuốc trị rắn độc cắn của “thầy Tư Tà Ngáo” cũng lấy từ cây cỏ thiên nhiên. Hầu như ai bị rắn độc cắn, sau khi trị khỏi, ông Duyên đều cẩn thận chỉ cho họ cách làm thuốc để sau này tự cứu mình và cứu người. Khi chúng tôi yêu cầu, ông Duyên không ngần ngại chỉ ngay một bài thuốc dùng trị chung nọc rắn độc. Trong đó, chúng tôi thấy có nhiều loại cây cỏ trong thiên nhiên, như trúc, chanh, môn tím, môn trắng… |
Cũng ở An Giang, ông Lê Văn Duyên, 65 tuổi, ngụ tại xã An Phú, huyện Tịnh Biên, được nhiều người tôn xưng là “thần y” trị rắn. Vì nhà nằm cuối sóc Tà Ngáo nên mọi người cũng quen gọi ông Duyên là “thầy Tư Tà Ngáo”.
Từng sinh sống ở vùng Kirivong, tỉnh Tà Keo – Campuchia, cha ông Duyên đã có cơ duyên học được những bài thuốc trị nọc rắn của người dân địa phương. “Sau đó, trước khi mất, cha tôi đã truyền lại những bài thuốc quý này để tôi tự cứu mình và người khác. Năm 1979, gia đình tôi bị Pôn Pốt giết hại, chỉ còn mỗi tôi sống sót. Sau đó một năm, tôi về An Giang sinh sống tới nay” – ông Duyên tâm sự.
Trên đường về đất mẹ, ông Duyên đã nhiều lần tự nhủ sẽ bỏ nghề làm thuốc trị nọc rắn độc vì sợ “sinh nghề tử nghiệp”. Tuy nhiên, nơi ông tìm đến là vùng rừng núi hoang sơ có đủ loại rắn độc khiến ông không khỏi trăn trở, xao lòng.
Một lần đi rừng, ông gặp một người bị rắn chàm cạp mổ trúng chân đang lê từng bước nặng nhọc kêu cứu. Ông Duyên vội lấy bịch thuốc trị rắn lúc nào cũng mang theo bên mình và kiếm thêm vài loại cây cỏ xung quanh rồi giã nhuyễn, vắt nước cho người bệnh uống. Không lâu sau đó, người này đã có thể đi lại được.
Đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, ông Duyên không cho phép mình đắn đo, suy nghĩ. “Từ hôm đó, tôi không còn băn khoăn bỏ hay giữ nghề làm thuốc trị rắn nữa mà quyết tâm đeo đuổi để giúp người” – ông Duyên bộc bạch.
Ông Duyên có biệt tài nhìn vết thương có thể phân biệt được loại rắn gì cắn. Từ đó, ông sẽ có cách điều trị và điều chế liều lượng thuốc hiệu quả.
Ông giải thích: “Rắn núi cắn thì vết thương sẽ chảy máu rất nhiều, nọc phát chậm nhưng nguy kịch rất cao, chữa trị trong thời gian dài mới hết hẳn. Còn rắn ở đồng bằng cắn thì vết thương chỉ bầm tím, thấy rõ dấu răng nhưng không chảy máu nhiều. Rắn đồng bằng có nọc độc phát cực nhanh, người bị chúng cắn cần phải được giải cứu kịp thời. Mỗi loại rắn còn có cách chữa trị khác nhau. Chẳng hạn người bị rắn hổ cắn sẽ có đờm dâng lên ngực, lên họng làm nghẹt thở nên phải làm thuốc nhanh để vắt nước cho họ uống hạ đờm…”.
“Đạo” trị rắn
Dù ông không trương bảng hiệu, cũng chẳng nhận mình là thầy nhưng ngày càng có nhiều người bị rắn độc cắn tìm đến “thầy Tư Tà Ngáo” nhờ cứu chữa. Không ít lần ông Duyên bị dựng dậy lúc nửa đêm vì có người bị rắn cắn đang nguy cấp.
Quan sát vết thương xong, ông lọ mọ xách đèn pin đi hái thuốc. Vài phút sau, ông quay lại với cối, chày và nắm cây cỏ trên tay rồi giã nhuyễn lấy nước cho nạn nhân uống, xác thuốc đắp chỗ vết thương.
30 năm hành nghề trị rắn, “thầy Tư Tà Ngáo” không còn nhớ rõ mình đã giải độc, cứu mạng bao nhiêu người. Ông khẳng khái: “Tôi chẳng quan tâm người ta ở đâu, giàu hay nghèo, chỉ biết họ bị rắn cắn cần cứu là mình giúp, xong cũng không cần họ ơn nghĩa, tiền bạc gì. Nhiều người nài nỉ trả tiền nhưng tôi cương quyết không nhận. Có người lén để lại tiền rồi ra về. Thoạt đầu tôi bực lắm, nhưng nghĩ còn nhiều người nghèo khó, thôi thì tiền đó để giúp những kẻ ngặt nghèo”.
Người dân địa phương kể cho chúng tôi nghe vô số chuyện cứu người của ông Duyên. Chúng tôi nhớ mãi chuyện hai mẹ con nọ ở Châu Đốc đến Tịnh Biên cắt lúa mướn. Vừa tới nơi, đang dựng lều trại thì người con bị rắn hổ cắn vào chân. Được mọi người chỉ dẫn, bà mẹ đưa con tới gặp ông Tư Duyên nhờ chữa trị. Sau khi con tỉnh lại, bà mẹ áy náy: “Tôi không có tiền trả cho thầy. Mẹ con tôi nghèo quá phải dắt nhau đi cắt lúa mướn, ngày nay chưa có hột cơm trong bụng”. “Thầy Tư Tà Ngáo” chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng móc hết tiền trong túi dúi vào tay bà. Người mẹ khắc khổ cảm động đến rơi nước mắt…
Gia đình ông Duyên sống chủ yếu bằng nghề leo thốt nốt lấy nước nấu đường. Nghề này chẳng có mấy ai khấm khá nổi. Ông Duyên lại thường tốn nhiều thời gian, công sức cho việc chữa trị rắn cắn nhưng không bao giờ lấy tiền. Do vậy, 30 năm nay, gia đình ông vẫn sống trong căn nhà tồi tàn, ngày chỉ đủ hai bữa cơm lót dạ.
Ông thổ lộ: “Làm nghề gì cũng có cái “đạo” của nó. Tôi thường tự răn mình để làm được và tồn tại với nghề trị rắn thì phải không tham lam, không thù hận, oán giận, không làm điều bất nhân, bất nghĩa, trái với luân thường đạo lý. Chẳng hạn, ai đó vừa mới cự cãi, chửi mắng mình nhưng khi họ bị rắn độc cắn, mình không thể vì oán giận mà làm ngơ, bỏ mặc họ chết. Vật chất như thứ bụi bám trên người, chỉ cần một cái phủi tay là rơi hết. Nhân nghĩa, tình người mới là điều quan trọng”.
Theo Quốc Dũng / Người Lao Động
Bình luận (0)