Thông tin chó cắn chết người ở Phú Yên và chó dữ tấn công người dân vùng biên giới Lào Cai gần đây đã khiến không ít người lo lắng. Bởi chó, mèo là những vật nuôi gần gũi con người, các cảnh giác an toàn vì thế rất dễ sơ sẩy. Chưa kể bệnh dại vẫn là nỗi ám ảnh của cả nhân loại, vì đến nay khả năng cứu sống khi đã phát bệnh còn rất hiếm hoi.
Theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 50.000 trường hợp tử vong hàng năm do dại. Bệnh dại tuy nguy hiểm chết người nhưng lại có thể dự phòng tốt.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virút dại thuộc họ Rhabdoviridae gây nên. Đây là bệnh của các động vật máu nóng, xảy ra thường nhất ở loài chó. Bệnh lây truyền từ động vật sang người, trong đó đa số từ chó mắc bệnh dại.
Có thể tử vong trong vòng 24 giờ
Virút dại hiện diện trong nước bọt của chó, xâm nhập vào cơ thể người qua vết cắn. Thời gian ủ bệnh (từ lúc bị cắn đến khi phát triệu chứng đầu tiên) trung bình từ 1 – 3 tháng. Tuy nhiên, một số trường hợp xuất hiện sớm hơn (dưới một tuần) hoặc muộn hơn (có trường hợp xuất hiện trên một năm). Triệu chứng đầu tiên khi phát bệnh là đau hoặc dị cảm nơi vết thương cũ, cảm giác yếu, mệt. Trong thời kỳ này, quan sát trên động vật thực nghiệm, người ta nhận thấy virút dại hiện diện trong khu vực vết thương và tiến hành quá trình xâm nhập vào bên trong các tế bào thần kinh. Đây là giai đoạn mà các biện pháp tiêu diệt virút như làm sạch vết thương, điều trị huyết thanh kháng dại, tiêm vắcxin tạo kháng thể… có thể mang lại hiệu quả.
Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn tuỳ vào nhiều yếu tố. Trong đó có một số yếu tố chính như: số lượng và độc tính xâm nhập của virút dại hiện diện trong nước bọt chó bệnh (virút càng nhiều, càng độc tính thì khả năng xâm nhập tế bào thần kinh càng nhanh); mức độ dập nát của vết thương (càng dập nát virút càng dễ dàng và nhanh chóng xâm nhập); độ dài của dây thần kinh từ vết thương về hệ thần kinh trung ương (vết thương vùng mặt có thời gian ủ bệnh ngắn hơn vết thương ở chân…); tình trạng đề kháng miễn dịch của nạn nhân… Một khi virút đã xâm nhập vào bên trong tế bào thần kinh và bắt đầu đi ngược theo dây thần kinh về tuỷ sống và não bộ, thì y học hiện nay không có biện pháp nào tiêu diệt hoặc ngăn chặn quá trình gây bệnh của virút dại.
Virút dại tấn công hệ thần kinh trung ương sẽ gây tình trạng viêm não rất đặc biệt của bệnh dại. Đó là biểu hiện sợ nước, sợ gió, có những cơn kích động dữ dội, điên loạn từng đợt, xen giữa là những khoảng lặng tỉnh táo, có đầy đủ ý thức. Bệnh diễn tiến nặng rất nhanh và thường tử vong trong vòng 24 giờ vì ngưng tim, ngưng thở do các trung khu thần kinh điều khiển hô hấp tuần hoàn bị tổn thương. Khi đã sang giai đoạn phát bệnh, dại là bệnh chết người với tỷ lệ tử vong gần 100% (y văn thế giới đến nay chỉ ghi nhận năm trường hợp sống sót).
Cách xử trí khi bị chó cắn
Đối với người bị chó cắn: phải sơ cứu ngay bằng cách rửa vết thương liên tục dưới dòng nước sạch và xà phòng trong vòng 15 phút. Tiếp theo, có thể xử lý vết thương tạm thời với các loại dung dịch sát khuẩn như povidone iodine… Sau đó lập tức đến cơ sở y tế để được chích huyết thanh kháng dại và vắcxin ngừa dại. Khi có chỉ định điều trị huyết thanh kháng dại, phải thực hiện càng sớm càng tốt. Tốt nhất là sau vài giờ bị chó cắn, và không quá 24 giờ. Cần nhớ rằng dù đã chăm sóc vết thương đúng cách và chích kháng huyết thanh lập tức, y văn vẫn ghi nhận một số trường hợp tử vong do chó dại cắn, tức hiệu quả điều trị không đạt 100%. Ngoài ra, thời gian điều trị càng muộn, hiệu quả càng kém và thông thường sau 24 – 48 giờ, việc điều trị có lẽ không còn ý nghĩa nữa, do virút đã xâm nhập và ẩn nấp an toàn bên trong tế bào thần kinh.
Không nên làm thịt chó bệnh để ăn, vì khi làm thịt có thể bị các vết trầy xước ở tay do chạm vào răng chó hoặc/và bị dính nước bọt, dịch trong não tuỷ của chó vào mắt, gây nhiễm bệnh.
|
Đối với chó cắn người: không nên đập chết mà phải nhốt chó lại để theo dõi những biểu hiện bất thường. Nếu có điều kiện thì mang đến các cơ sở thú ý để xác định có bệnh dại không. Nếu sau đó chó vẫn khoẻ mạnh thì người bị cắn có thể an tâm. Không nên làm thịt chó bệnh để ăn, vì khi làm thịt có thể bị các vết trầy xước ở tay do chạm vào răng chó hoặc/và bị dính nước bọt, dịch trong não tuỷ của chó vào mắt, gây nhiễm bệnh. Tốt nhất nên chôn và rắc vôi xử lý xác chó bệnh dại.
Tiêm phòng cho cả người và chó
Bệnh dại có thể phòng ngừa chủ động bằng cách tiêm phòng vắcxin dại, tiêm phòng trước khi bị phơi nhiễm. Đối với chó, có thể ngăn chặn nguồn lây bằng cách tiêm phòng dại cho chó. Nếu chó không bị bệnh dại thì người sẽ không bị lây bệnh dại khi chó cắn. Đối với người, WHO khuyến cáo những người có nguy cơ phơi nhiễm cao với virút dại (nhân viên thú y, nhân viên phòng thí nghiệm, người thường xuyên tiếp xúc động vật, với dơi, người sống trong vùng có tỷ lệ chó dại cao…) nên chích ngừa dự phòng chủ động, gồm ba liều, sau đó tiêm nhắc lại mỗi ba năm. Trước đây, việc chủng ngừa chủ động vắcxin dại không thực hiện rộng rãi vì vắcxin thế hệ cũ (Fuenzalida) được bào chế từ não chuột non, có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm là viêm não. Hiện các loại vắcxin ngừa dại thế hệ mới (sử dụng môi trường tế bào vero để nuôi cấy) an toàn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, giá thành còn khá cao so với mức sống bình quân tại Việt Nam.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu / SGTT
Tin liên quan
Chiều 9-1, Bảo tàng TP.HCM phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM tổ...
Tối 7-1, Saigontourist Group đã thông tin về Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Non sông gấm...
Ngày 3-1-2025, Trường Trung cấp Quốc tế Mekong phối hợp với UBND phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ và phòng...
Trong năm 2024 vừa qua, những nghệ sĩ này đã ghi điểm với khán giả qua những vai diễn ấn tượng, đồng...
Bình luận (0)