Các chuyên gia cảnh báo, nên dùng bát đĩa ít hoa văn, men trắng hoặc thuỷ tinh để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc chì.
Pha chì để… tiết kiệm chi phí
Theo PGS.TS Vũ Minh Đức, bộ môn Vật liệu silicat (Đại học Xây Dựng Hà Nội), bát đĩa có nhiều hoa văn, men màu dễ nhiễm độc chì hơn các loại bát trắng là do trong quá trình sản xuất người ta thêm chì vào để khi nung men và màu sẽ nhanh chảy ra, từ đó giảm nhiệt độ nung, tiết kiệm năng lượng.
"Thông thường, tuỳ vào loại sứ cao cấp hay bình dân, chất liệu phối mà sản phẩm gốm phải nung từ nhiệt độ 1.200 – 1.5000C mới đảm bảo được chất lượng. Tuy nhiên, khi pha thêm chì, nhà sản xuất chỉ cần nung sản phẩm ở nhiệt độ 800 – 1.1000C là sản phẩm đã hoàn thiện".
Các chuyên gia cảnh báo, nên dùng bát đĩa ít hoa văn để giảm thiểu nguy cơ
nhiễm độc chì. (Ảnh: lamchame.com)
Còn PGS.TS Huỳnh Văn Minh, nguyên giảng viên bộ môn Vật liệu Siliccat (Đại học Bách khoa Hà Nội), các loại đồ sứ trắng đã được nung trước sau đó mới đính, vẽ hoa văn, người sản xuất hay sử dụng các chất dễ cháy có chứa siliccat chì và thạch anh. Lúc này men màu của hoa văn sẽ nhanh tan và dính chặt vào đồ sứ, đồng thời sẽ giảm được nhiệt độ nung từ trên 1.2000C xuống còn 8500C.
Khi sử dụng, các đồ sứ này gặp môi trường axit, kiềm, muối… chì sẽ bị thôi ra và ngấm vào cơ thể gây độc. Độ độc hại nhiều hay ít phụ thuộc vào dư lượng chì được pha chế trong các chất dễ cháy.
PGS Đức cho biết thêm, nếu sử dụng bát đĩa nhiều hoa văn màu sắc người tiêu dùng còn có nguy cơ nhiễm các kim loại nặng độc hại như oxit crôm và coban.
"Ngày xưa, khi làm ra các men khác nhau, nhà sản xuất phải tìm ra các loại khoáng đá tự nhiên có chứa hàm lượng oxit crôm và coban khác nhau, từ đó nghiền ra và tráng lên sản phẩm gốm để tạo màu xanh lam hay ngọc bích…
Loại khoáng đá đó được xem là bí mật gia truyền của mỗi cơ sở làm gốm. Hiện nay, để tạo ra các màu khác nhau, người sản xuất đã thay thế dần loại đá đó bằng cách pha thêm chất chì và các oxit," PGS Đức cho hay.
Hạn chế bát đĩa tráng men màu sắc
Gốm sứ, chì và các oxit kim loại nặng bị cấm tuyệt đối trong chế tạo đồ gốm sứ gia dụng, chỉ được sử dụng trong đồ gốm trang trí mỹ nghệ và chế tạo pha lê vì tác hại sẽ ít hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát được hết được sản phẩm gốm sứ gia dụng có chứa các chất trên.
"Nếu bát đĩa có chất chì và oxit độc hại, khi sử dụng các chất này sẽ tan chảy vào thức ăn sau đó ngấm vào cơ thể con người dẫn đến sức tích tụ và gây ra các bệnh nan y", PGS Đức cảnh báo.
Theo các chuyên gia để phòng tránh nguy cơ nhiễm độc chì từ bát đĩa, người dân nên sử dụng bát đĩa có màu trắng, ít hoa văn hoặc thay thế bằng đồ thuỷ tinh. Đặc biệt, không nên sử dụng bát đĩa gốm sứ để làm chín thức ăn trong lò vi sóng.
"Nhiệt độ cao của lò vi sóng sẽ làm các chất độc có trong gốm dễ tan hơn. Đó cũng là lý do nhà sản xuất lò vi sóng luôn cung cấp đồ thuỷ tinh cho người tiêu dùng", PGS Đức khuyến cáo.
Khi mua đồ gốm sứ nên chọn hàng có độ trơn, không nhám sần, không nổi gờ, không quá bóng loáng hoặc không trong. Hạn chế sử dụng bát đĩa tráng các lớp men màu sắc như xanh ngọc bích, lam ở phía phần lòng bát, đĩa. Trong khi sử dụng thấy bát có biểu hiện sần sùi, trong bóc lớp men bóng hoặc rạn thì nên thay bằng bát mới.
"Hiện các nước tiên tiến như Anh, Nga, Pháp thường áp dụng công nghệ tráng lớp men trong bên ngoài để giảm thiểu các chất độc hại ngấm ra ngoài.
Thực tế hiện nay công nghệ này vẫn bị các cơ sở "hám tiền" lạm dụng bằng cách pha thêm chì để tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành và sản phẩm sau khi hoàn thiện có màu trong, trắng, ánh đẹp dễ bán hơn". PGS.TS Vũ Minh Đức cho biết.
|
Thu Hiền (Bee.net)
Bình luận (0)