Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nước giải khát: Siêu rẻ, siêu bẩn!

Tạp Chí Giáo Dục

Nước ép trái cây làm từ… bột; nước sâm được pha chế từ hóa chất với các chất tạo mùi giá siêu rẻ; nước dừa, nước mía… trơ gan với bụi đường… Mỗi chớm hè, các quán giải khát bụi kiểu này thi nhau mọc lên như nấm.

Một vốn 20 lời
Trên con đường nào ở TPHCM trong những ngày nắng nóng này cũng nhan nhản các xe di động nước giải khát mùa nóng với giá bình dân. Xôm tụ nhất là các xe nước mía, nước sâm bán đủ loại nước từ sâm lạnh, rong biển, chanh dây, nước tắc… đến sâm bí đao, nước ép trái cây các loại. Giá mỗi ly 2.000 – 3.000 đồng.
Một người bán nước sâm lạnh bên lề đường Lý Chính Thắng, quận 3 cho hay những ngày nắng nóng như hiện nay, mỗi ngày anh bán đến gần 500 ly, chủ yếu là khách đi đường giải nhiệt cho đỡ khát”.
Nước giải khát vỉa hè không công bố chất lượng nên tùy vào cái tâm của người bán, họ cho chất gì chỉ có họ mới biết.- Bác sĩ Trần Văn Ký
Ở bất cứ cổng trường học nào trong thành phố cũng thấy hàng chục xe nước giải khát với các loại nước như chanh dây, nước tắc, nước cam, nho tây, dâu pha sẵn trong những bịch loại một lít, sẵn sàng đổ ly đá bán cho khách. Mỗi ly nước trên chỉ 2.000 đồng nên quanh các xe lúc nào cũng đông học sinh.
Một người bán nước sâm giải khát lâu năm cho biết, chỉ cần bỏ ra khoảng 100.000 đồng là có thể biến các hóa chất tạo mùi thành khoảng 1.000 ly nước giải khát bụi rất ưa chuộng ngoài đường những ngày nóng bức này.
Tại chợ Kim Biên ở quận 5, các cửa hàng bán chất tạo mùi như chanh dây, dâu tây, nước tắc, mùi nho, dâu tằm… với giá chỉ 20.000 đồng/100gr.
Riêng hóa chất pha nước sâm có màu nâu chỉ 10.000 đồng/100gr. Để pha loại nước thông dụng này, chủ tiệm bật mí: “Khoảng 100gr chất tạo mùi cho với 20 lít nước cộng với hương liệu, chất tạo màu và đường hóa học là ra một thùng nước sâm”. Cách pha các loại nước khác cũng rất đơn giản.
Tại chợ Bình Tây ở quận 6, nguyên liệu như me, dâu, cam, xí muội, dừa xay hay hạt trân châu, hồng trà, lục trà chỉ 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, cũng nguyên liệu các loại trên được làm từ bột chỉ có giá 5.000 đồng/bịch loại 500gr.
Vừa uống vừa lo
Vụ gần 10 học sinh trường tiểu học Nguyễn Thị Diệu quận 3, TPHCM ngộ độc do uống nước giải khát xi rô từ xe nước di động trước cổng trường vừa xảy ra tuần qua.
Trong đợt kiểm tra về tình hình các xe đẩy bán nước dừa tắc, nước mía… ở quận 5 và quận 10 của y tế dự phòng cho thấy hầu hết các xe bán nước giải khát này đều dùng hàm lượng đường hóa học không được phép.
Hầu hết các xe nước mía đều không đảm bảo vệ sinh do bụi đường, mía và xe không được che đậy; người bán không đeo khẩu trang, bao tay.
Kết quả kiểm tra cho thấy các mẫu xét nghiệm ở xe nước mía nhiễm khuẩn E.Coli – một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kiết lị và tiêu chảy, và là vi khuẩn chỉ thị nhiễm phân.
Trao đổi với PV chiều qua, bác sĩ Trần Văn Ký- phụ trách văn phòng phía Nam thuộc Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam, cho biết: “Nước giải khát vỉa hè không công bố chất lượng nên tùy vào cái tâm của người bán. Họ cho chất gì chỉ có họ mới biết”.
Theo bác sĩ Ký, hiện có hàng chục chất phụ gia, hương liệu gọi là chất giả tạo thay chất tự nhiên để tạo nên các loại nước giải khát tràn ngập thị trường, với giá rẻ, dễ pha chế nên bán rất chạy. Tuy nhiên, những chất phụ gia này hầu như không được kiểm soát.
“Đồ bán nước giải khát rất mất vệ sinh. Ly uống nước được rửa qua loa sau khi người này uống xong lại dùng cho người kia nên nguồn lây bệnh không kiểm soát được, nhất là các bệnh lao, siêu vi”- Bác sĩ Ký cảnh báo.
Ngoài việc dùng hóa chất độc hại hòa với nước tạo ra nước giải khát, nhiều loại đường hóa học ngoài danh mục cũng được dùng vào chế biến nên nguy cơ gây bệnh là khó tránh khỏi.
Theo bác sĩ Ký, các chất tạo màu, tạo mùi trong công nghiệp có nhiều tạp chất và kim loại nặng khi đưa vào thức ăn, thức uống sẽ gây ngộ độc mãn tính, gây nhiều chứng bệnh ung thư về lâu dài.
Theo Tienphong

Bình luận (0)