Tết học sinh được nghỉ học, trong khi cha mẹ lại quá nhiều việc nên không có thời gian để mắt tới con, nhất là trẻ nhỏ, theo đó tai nạn trẻ em trong dịp này cũng tăng hơn so với những ngày thường…
Các bác sĩ Khoa Chỉnh hình – Bệnh viện Nhi Trung ương theo dõi tình trạng của bệnh nhi M.C. sau phẫu thuật
Vừa qua, các bác sĩ Khoa Chỉnh hình – Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương đã phẫu thuật cấp cứu kịp thời cho bệnh nhi M.C. (nữ, 30 tháng tuổi, ở Phú Thọ) bị dập và đứt gân hai ngón tay trái do vô tình mắc kẹt vào lỗ cấp nước của máy lọc nước gia đình.
Gia đình bệnh nhi cho biết, bé C. trèo lên máy lọc nước để lấy nước uống không may bị trượt chân ngã. Sau ngã, ngón 2, 3 bàn tay trái của bé mắc kẹt vào lỗ cấp nước của máy lọc nước gây nên vết thương đứt ngón 2, 3. Gia đình cầm máu cho bé và chuyển đến BV Nhi Trung ương cấp cứu.
BS Nguyễn Vũ Hoàng – Khoa Chỉnh hình, người trực tiếp phẫu thuật cho bé C. – thông tin: “Sau khi tiếp nhận và kiểm tra vết thương bàn tay trái bệnh nhi, các bác sĩ nhận thấy tình trạng tổn thương rất phức tạp: lộ xương, khớp đốt 2, 3 ngón 2 và 3 bàn tay trái đứt rời gân gấp. Ngay trong đêm, kíp trực đã quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi. Ca phẫu thuật kéo dài 2,5 tiếng đã cho kết quả tốt. Trong quá trình mổ, các bác sĩ tiến hành cắt lọc mô mềm, khâu nối lại gân gấp sâu, tạo hình ròng rọc pullay, khâu tạo hình phần mềm che phủ da ngón tay và băng đặt nẹp bột cẳng bàn ngón tay cho trẻ. Đây là ca phẫu thuật tương đối khó khăn vì vùng tổn thương ống gân hẹp, các động mạch, thần kinh rất nhỏ; hơn nữa vết thương đứt ngang đốt 2, 3 của ngón 2 và 3 bàn tay trái của bé đứt hoàn toàn gân gấp chung nông, sâu, mô mềm bị lột dập nát… Nếu không được nối kịp thời, ngón tay sẽ giảm hoặc mất chức năng, da mô mềm giảm nguồn máu nuôi dưỡng dẫn đến hoại tử…”.
Một trường hợp khác là bệnh nhi P.N.K. (nam, 6 tuổi, ở Hải Dương) cũng nhập viện BV Nhi Trung ương do tai nạn.
Trước đó, trẻ đang chơi xe điện 3 bánh ở gần nhà thì bị ngã, vô lăng chiếc xe đập vào cổ. Sau ngã bé bắt đầu khó thở, sưng vùng má, cổ, phồng vùng ngực. Ngay lập tức, gia đình đưa bé đến BV tỉnh để cấp cứu. Nhận thấy đây là trường hợp chấn thương vô cùng phức tạp, nguy kịch tính mạng, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành đặt nội khí quản và chuyển trẻ đến BV Nhi Trung ương.
Tại Khoa Cấp cứu và Chống độc – BV Nhi Trung ương, sau khi chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy, bệnh nhi bị chấn thương vỡ thành sau khí quản, có tràn khí màng phổi 2 bên, tràn khí trung thất, tràn khí ngoài da toàn thân. Ngay lập tức các chuyên khoa đầu ngành trong BV (Ngoại lồng ngực, Ngoại Tim mạch và ê-kíp Gây mê, Hồi sức, chuyên gia Hô hấp, Tai Mũi Họng, Chẩn đoán hình ảnh) đã tổ chức hội chẩn và đưa ra chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
ThS.BS Phạm Anh Tuấn – Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa – cho biết: “Khó khăn nhất trong quá trình hồi sức bệnh nhi trước mổ là việc đặt nội khí quản qua chỗ rách, phù nề rất nhiều, chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể khiến trẻ thêm nguy kịch. Chúng tôi phải kết hợp đặt nội khí quản và thông khí nhẹ nhàng, tránh tổn thương cho phổi và giảm áp lực đường thở cho bệnh nhi, duy trì tình trạng bé ổn định nhất trước khi bước vào phẫu thuật”.
Sau khi lên kế hoạch chi tiết, PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Nhi Trung ương cùng ê-kíp các bác sĩ của BV và ê-kíp hỗ trợ của BV Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành phẫu thuật cho bé K. Sau 3 tiếng, ca phẫu thuật diễn ra thành công, tình trạng bệnh nhi tiến triển tích cực.
Chú ý các tình huống có thể gây rủi ro cho trẻ Theo BS Nguyễn Vũ Hoàng – Khoa Chỉnh hình, BV Nhi Trung ương, trẻ nhỏ thường hiếu động, tò mò, chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Tại Khoa Chỉnh hình, hàng năm tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích do sinh hoạt với các mức độ khác nhau. Nhiều trường hợp bị tổn thương nhẹ, sau điều trị có thể phục hồi; tuy nhiên, có trường hợp nặng không thể phục hồi như đứt lìa ngón tay, bàn tay, bàn chân, ngón chân, thậm chí có trường hợp tai nạn gây nguy hiểm tới tính mạng. “Do đó, để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần quan sát, đánh giá bao quát môi trường sống của trẻ đảm bảo an toàn, chú ý đến tình huống có thể gây rủi ro cho trẻ như: dao, đồ thủy tinh. Các yếu tố nguy cơ gây bỏng (như: phích nước, nồi canh đang sôi, ổ cắm), vật dụng sắc nhọn cần để xa khu vực chơi sinh hoạt của trẻ. Ngoài ra, khi đưa trẻ ra ngoài môi trường sống quen thuộc của gia đình; cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần đặt trẻ trong sự bao quát, quan sát mọi nơi, mọi lúc. Khi trẻ không may xảy ra tai nạn, cần xử trí băng vết thương cho trẻ và liên lạc ngay với hệ thống cấp cứu ngoại nhi của các BV trên hệ thống website và nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa ngoại nhi gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời”, BS Hoàng khuyến cáo. |
Mới đây, các bác sĩ Khoa Ngoại Tiết niệu – BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị cho bé trai Ng.M.T. (13 tuổi) bị chấn thương tinh hoàn sau khi va chạm với bạn trong lúc chơi đá bóng.
ThS.BS.CKII Vũ Xuân Hoàn – Khoa Ngoại Tiết niệu, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi – cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng tinh hoàn trái sưng nề, bầm tím, tụ máu vùng bìu trái. Hình ảnh siêu âm cho thấy tinh hoàn trái không tưới máu, có máu tụ xung quanh, không có tín hiệu mạch. Theo đó, ngay lập tức các bác sĩ quyết định mổ cấp cứu cho trẻ.
“Quá trình phẫu thuật có nhiều máu đen, máu cục ở vùng bìu bên trái, mặt bên trong tinh hoàn trái bị vỡ một nửa bó mạch thần kinh. Tuy nhiên, ê-kíp phẫu thuật nhận thấy nhu mô tinh hoàn vẫn còn tưới máu tốt nên đã quyết định lấy máu tụ, khâu cầm máu và bảo tồn tinh hoàn trái cho trẻ. Ca phẫu thuật diễn ra trong 1,5 giờ. Sau phẫu thuật sức khỏe trẻ ổn định, tinh hoàn hết sưng nề và đã được ra viện”, BS Hoàn cho hay.
Ngọc Hà
Bình luận (0)