Amidan là một hệ thống tổ chức limphô nằm trong họng, có vai trò trong hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại bệnh tật trong những năm đầu đời. Tuy nhiên, khi trẻ lớn dần, tổ chức này rất hay bị viêm hoặc quá phát gây hội chứng amidan quá to làm trẻ hô hấp khó khăn, thậm chí có thể gây hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Bệnh hay gặp ở trẻ em
Viêm amidan là bệnh hay gặp ở trẻ em ở độ tuổi đi học. Amidan được coi là ổ viêm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe trẻ em, nhất là gây ra các bệnh về đường hô hấp và có tác giả còn coi amidan là nguyên nhân hay gây ra các rối loạn toàn thân khác nhau cho trẻ em như: biếng ăn, chậm phát triển trí tuệ, đái dầm…Vì vậy, trong đa số trường hợp khi bị viêm amidan nhiều lần, người ta khuyên nên phẫu thuật cắt bỏ tổ chức này.
Cần nhớ rằng, amidan là tên gọi chung cho một số tổ chức nằm ở vị trí ngã ba giữa đường thở và đường ăn ở phía cuối vòm họng. Loại amidan thường hay gây viêm là amidan khẩu cái. Amidan khẩu cái là nơi tích tụ tổ chức limphô lớn nhất nằm ở hai mặt bên của họng và có thể nhìn thấy khi há to miệng. Một hệ thống amidan thứ hai được gọi là amidan lưỡi nằm ở phía trong cùng (đáy) của lưỡi. Hệ thống amidan thứ ba là amidan họng, khi bị viêm thường gọi là viêm V.A (viết tắt của chữ tiếng Pháp Végetation adénoide). V.A nằm ở phía thành sau, trên cao nhất của họng. Cùng với amidan lưỡi, VA, amidan vòi, amidan khẩu cái tạo thành vòng có tên gọi là vòng Waldeyer có cùng nguồn gốc và cùng chức năng.
Amidan và VA nằm ở ngã ba đường ăn và đường thở, là nơi tiếp xúc đầu tiên với các loại vi khuẩn và các chất kháng nguyên có mặt trong thức ăn và không khí khi hít vào, do đó nó rất dễ bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn. Khi đứa trẻ mới sinh ra, amidan có kích thước rất nhỏ. Từ 1 – 6 tuổi amidan to dần do kết quả của sự hoạt động miễn dịch. Bình thường luôn tồn tại sự cân bằng giữa hệ vi khuẩn của tổ chức amidan và sự đáp ứng miễn dịch tại chỗ của chúng. Khi sự cân bằng này bị phá vỡ bởi nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus dẫn đến quá phát tổ chức limphô và ứ đọng những mảnh hoại tử, lúc đó sẽ dẫn đến viêm amidan mạn tính và phì đại do tăng số lượng các nang limphô.
Các dấu hiệu của viêm amidan
Các dấu hiệu về amidan quá phát có thể nhận biết từ rất sớm do ảnh hưởng đến chức năng thở của trẻ. Nếu thấy trẻ có ngủ ngáy cần cho trẻ đi khám amidan, vì nếu để kéo dài sẽ có nguy cơ bị các cơn ngừng thở khi ngủ. Cần phải đặc biệt lưu ý nếu trẻ ngủ ngáy to, thở bằng mồm mãn tính, hay thức giấc trong đêm, mệt mỏi, đái dầm, học lực kém… Amidan quá phát cũng gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành giọng nói hoặc cách phát âm của trẻ. Nếu trẻ phát âm như giọng mũi hoặc khó khăn khi phát âm cần phải khám amidan ngay. Amidan quá to có thể làm trẻ nuốt vướng, khó ăn, ăn uống chậm chạp hàng giờ mới xong bữa cơm. Thậm chí viêm amidan cũng gây ảnh hưởng đến chức năng nghe của tai dẫn đến bị điếc. Trẻ bị quá phát amidan thường có hơi thở hôi, ho về đêm, ho khan kéo dài. Trẻ luôn có cảm giác khó chịu, rát họng hoặc cảm giác vướng mắc như có dị vật ở họng hoặc nhói đau khi nuốt. Trẻ thường tái diễn các đợt viêm nhiễm cấp amidan nhiều lần trong năm. Khi đó cần đưa trẻ đến các bệnh viện để khám thực thể và làm các xét nghiệm cần thiết. Các thầy thuốc sẽ có chỉ định cần thiết để điều trị hoặc phẫu thuật cắt bỏ amidan, nạo VA cho trẻ. Phẫu thuật cắt amidan phải được tiến hành ở các cơ sở y tế có thẩm quyền chuyên môn và đầy đủ phương tiện cấp cứu, vì dễ gây nguy hiểm cho bệnh nhân như: chảy máu, nhiễm trùng…
ThS. Lê Quốc Thịnh (theo SK&ĐS)
Bình luận (0)