Một món ăn dân dã, thơm ngon hấp dẫn, lại có tác dụng ngừa bệnh hữu hiệu nhưng đang biến mất dần khỏi bàn tiệc VN.
Đám giỗ, người dân Nam bộ thích đỗ xôi vị nhất.
Xôi vị – Ảnh: Thanh Đạm
|
Làm xôi vị đâu chỉ cần nấu xôi, ngào đường, cho tùm lum vào là được. Mấy bà già quê chộn rộn cả hai ngày để o bế ổ xôi vị. Một ngày chuẩn bị ngâm nếp. Nếp mới gặt làm xôi dẻo nhẹo mau thiu, phải chọn nếp hơi cũ, hạt nảy mập dài nuột. Xôi vị thì đương nhiên đâu thể thiếu vị. Vị kêu theo dân miền Nam là hoa hồi, bóc lên tay thì bàn tay như tẩm nước hoa suốt ba bốn bữa. Không có gì êm đềm hơn ngồi rang vị đêm mưa trong gian bếp lá ấm hồng lửa rơm, từng tai vị nổ lóc bóc trên chảo đất nung, bung khói mịt mù thơm nức mũi. Vị cháy quá sẽ đắng, còn chưa tới lửa thì “hông được à nha sắp nhỏ”, các má các chị rầy liền.
Ngán + ngán = ngon
Rang xong vị được giã nhuyễn trong cối đá. Sáng sớm bữa cúng giỗ người ta nấu cơm nếp, sên đậu xanh cùng nước cốt dừa rám. Cơm nếp chín là trút vô chảo ngào chung đường tán, giai đoạn này quyết định xôi vị ngon hay dở.
Có nàng dâu mới về nhà chồng chưa đầy ba bữa, gặp đám giỗ ông nội chồng. Bà má chồng giao ngay phận sự vuông tròn ổ xôi vị cho con dâu mới. Mọi chuyện xuôi chèo mát mái cho tới lúc ngào xôi thì nàng dâu mới lấy gáo dừa múc nước định rưới vô chảo đường. May phước bà má chồng nhanh tay ngăn lại. Ngào xôi vị tối kỵ “đại hồng thủy”, xôi sẽ chèm nhem. Tụi con nít thường xúm xít chờ vét chảo khi ép xôi.
Chiếc bánh giữa nhân đậu xanh, trên mặt rắc kín mè rang, lấm tấm nâu nâu nhìn thiệt quê trớt mà tỏa hương ngào ngạt hấp dẫn làm sao. Cắn miếng nhỏ thôi, mùi thơm ấm áp nồng nàn của vị, bùi bùi đậu phộng, béo nước cốt dừa, rào rạo mè rang, deo dẻo nếp mềm tan trên lưỡi. Ai nói “ngán như xôi nếp” đâu? Một miếng, hai miếng cứ theo nhau vào miệng hồi nào không hay. Thiệt ra xôi vị chính là sự kết hợp tài tình giữa các thức dễ gây ngấy như nếp, đường, đậu… lại làm nên “vị” mới hấp dẫn muôn người.
Vị thuốc ấm bụng
Ăn giỗ ớn màn bị tào tháo rượt vì nhiều món ăn quá, lại thêm gỏi, rau tươi, khâu chuẩn bị trước giờ ăn uống nhiều khi cả ngày. Vậy vị cứu tinh chẳng ai khác hơn chính là xôi vị đấy. Vị hồi chữa, ngừa phong hàn cảm cúm, đau bụng tuyệt chiêu. Dân miền núi hay lận lưng dăm cánh hồi phòng khi đi rừng, leo núi lỡ gặp “ma lạnh, ma gió” đeo bám thì đem ra nhai nuốt, an toàn ngay lập tức. Theo Hải Thượng Lãn Ông, vị đại hồi cũng được sử dụng trong trà như là liệu pháp chữa đau bụng và thấp khớp, hạt nhai sau bữa ăn giúp tiêu hóa. Tây y dùng hồi làm thuốc trung tiện, giúp tiêu hóa, lợi sữa, dịu đau do co bóp.
Nhiều nước phương Tây như Pháp, Đức khuyến khích bán các món ăn có chứa hồi cho dân chúng. Thế thì dân ta đã có sẵn một loại bánh vừa thơm ngon hấp dẫn, vừa ngừa bệnh hữu hiệu như xôi vị tại sao không phát huy?
Xôi vị đang dần mất bóng trên các bàn tiệc, mâm cỗ. Lác đác vài cửa hàng, chợ còn bán nhưng đã là xôi vị cách tân, không hề còn bóng dáng của vị. Toàn nước lá dứa hay tệ hơn là hóa chất xanh lè hoặc trắng bạch, phải gọi là xôi ép đúng hơn. Đám xôi vị biến tướng này đã làm mất danh dự xôi vị chính thống, ai không biết lỡ ăn nhầm là nhăn mặt “í eo ơi” ớn ngược ớn xuôi. Này này khoan vội bé cái lầm, hương vị thanh khiết ấm bụng, ấm lòng của xôi vị mác-đờ-in nhà quê thứ thiệt chỉ một lần nếm qua thôi nhớ hoài nhớ mãi suốt đời.
DƯƠNG VĂN MINH LỘC (TTO)
Đuổi hàn, kiện tì, khai vị
Theo tài liệu cổ và giáo sư Đỗ Tất Lợi, đại hồi vị cay, tính ôn, có tác dụng đuổi hàn, kiện tì, khai vị, dùng chữa nôn mửa, đau bụng, bụng đầy, giải độc thịt cá.
Hiện nay đại hồi thường được dùng làm thuốc trợ tiêu, ăn uống khó tiêu, nôn mửa, đau nhức tê thấp. Mỗi ngày dùng 4-8 gam dưới dạng thuốc sắc. Ngoài ra còn ngâm rượu xoa bóp chữa đau nhức. Mặc dù được sản xuất trong các sinh vật tự dưỡng, nhưng đại hồi là nguồn nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất axit shikimic, thành phần quan trọng cơ bản để bào chế thuốc điều trị bệnh cúm Tamiflu. Tamiflu hiện được coi là dược phẩm có triển vọng nhất để làm giảm tác hại của bệnh cúm gia cầm (H5N1).
(Nguồn: wikipedia tiếng Việt)
|
Bình luận (0)