Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những xử trí sai lầm vào ngày Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Một trường hợp cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM do uống nhiều thuốc giảm đau đầu không đúng cách sau khi uống rượu. Ảnh: N.Phương

Đỏ mắt, đau mỏi do thức khuya hay hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu, tiêu chảy hoặc ăn uống khó tiêu…, nếu xử trí không đúng sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Tết đến, nếp sinh hoạt của nhiều người bị xáo trộn, vì vậy sức khỏe cũng bị ảnh hưởng nhưng nếu biết cách khắc phục sớm và đúng cách thì bệnh sẽ không diễn tiến nặng. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết mọi người đều đưa ra những xử trí sai lầm. Dưới đây là một vài “chiêu“ vui Xuân mà vẫn giữ được sức khỏe.

Xử trí khi thức khuya, ngồi lâu

Do chỉ vui chơi mà không phải đi làm nên hầu hết mọi người đều muốn thức khuya, dậy trễ do đó dễ dẫn đến tình trạng đỏ mắt vì thức khuya và mắt phải làm việc quá nhiều. Trong tình huống này, xử trí sai lầm thường gặp là bệnh nhân dùng thuốc nhỏ mắt tùy tiện chứa thành phần kháng sinh hay steroid (như sulfacetamide sodium), sử dụng lâu ngày sẽ gây mù lòa. Nếu người mang kính sát tròng dùng thuốc Banzalkonium chloride, thuốc sẽ tích tụ trên mặt kính, dẫn đến viêm mắt. Tốt nhất là nên ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ, trước khi ngủ có thể nhỏ thuốc có thành phần tạo nước mắt (Hypromellose).

Bên cạnh tình trạng đỏ mắt do thức khuya, nhiều người còn bị đau lưng, mỏi khắp người vì ngồi lâu với bạn bè làm máu lưu thông không tốt và thường thoa dầu các cơ bắp ê mỏi. Đây cũng là cách xử trí sai lầm vì sử dụng dầu thoa thật ra chỉ có tác dụng tâm lý.

Nguyên nhân giảm đau thật sự là thoa dầu giúp tăng nhanh tuần hoàn máu. Để cải thiện, chỗ mỏi đau có thể dùng khăn đắp nóng hay lạnh, để giảm đau và giúp máu vận hành. Để có loại thuốc thoa tốt nhất, chọn mua loại có thành phần Menthol hay Methyl Salicylate, có tác dụng giảm đau. Phương pháp tốt nhất là tắm nước nóng thêm muối, trong đó Magnesium Sulphate gần giống với thể dịch (mồ hôi) cơ thể người, gia tăng tuần hoàn máu, mang đi acid lactic mỏi đau sẽ biến mất.

Giải quyết hậu quả do rượu và thuốc lá

Trong những ngày Tết, một số người cũng hút thuốc lá với số lượng nhiều hơn ngày thường vì… quá vui. Để hạn chế tình trạng này và để không thèm thuốc lá, nhiều người thường dùng bạc hà hay kẹo ngậm có thành phần thuốc Thymol.

Tuy nhiên, đây là cách xử trí không đúng vì ngậm nhai quá nhiều sẽ dẫn đến đau bụng hay tiêu chảy nhẹ. Không thể dùng trà hay lá trà để khử hôi miệng vì sẽ làm cho bạn mất ngủ. Nếu bạn đã lỡ hút nhiều thuốc mà không kìm lại được, tốt nhất trước bữa ăn dùng thuốc có diệp lục tố (chlorophyll, một giờ sau có tác dụng, có hiệu quả khoảng 8 giờ). Sau bữa ăn uống nhiều nước lọc tinh khiết, hay dùng thuốc sát trùng có cồn để súc miệng sẽ có hiệu quả tốt hơn. Nếu hôi miệng có thể dùng rễ gừng tươi hay rễ cỏ tranh khoảng 40 g nấu cháo.

Còn việc uống nhiều bia rượu thường gây ra những cơn đau đầu vào sáng hôm sau. Thông thường, để cảm thấy dễ chịu, sai lầm thường gặp là nhiều người uống thuốc giảm đau bừa bãi, chẳng hạn Aspirin. Aspirin rất có hại cho dạ dày, những người vốn có bệnh đau dạ dày nên kiêng dùng, ngoài ra, trẻ dưới 12 tuổi cũng cấm dùng vì sẽ ảnh hưởng đến chức năng não.

Chữa trị hậu quả của rượu đúng cách trước khi ngủ nên uống nhiều nước, nhằm giảm nồng độ rượu trong máu, cải thiện tình trạng thiếu nước của cơ thể, nhờ đó sáng hôm sau người quá chén có thể bớt đau đầu. Ngoài ra, có thể dùng chế phẩm chứa thành phần acid amin (L-omithine), có tác dụng bổ gan, tăng cường chuyển hóa của gan, từ đó xúc tiến hóa giải độc tố cồn rượu. Ngoài ra, cũng có thể dùng trà với một ít giấm trắng và nước sen tươi trộn lẫn có tác dụng giã rượu.

Sự cố do ăn uống không đúng cách

Chứng đầy bụng khó tiêu do ăn uống quá độ cũng thường gặp vào những ngày Tết. Cách xử trí sai lầm thường gặp là móc họng cho nôn mửa, làm cho thức ăn trào ngược đến phổi và khí quản, dẫn đến viêm sưng; hoặc dùng tùy tiện các loại thuốc xổ nhẹ, làm rối loạn đường ruột, dẫn đến cơ năng thất thường. Tốt nhất là nên ngưng ăn 2 – 3 bữa. Người không đau dạ dày thử dùng một muỗng trà giấm đỏ trợ giúp tiêu hóa, có thể dùng thuốc chứa men tiêu hóa động vật (Pancreatin và men Aspergillus). Bên cạnh đó, cũng có thể dùng mạch nha, vỏ quýt, sơn trà với lượng bằng nhau, sao đen hãm nước uống một, hai lần.

Còn nếu bị tiêu chảy do ăn thịt sống hay hải sản sống thì nên uống nước ấm giúp giảm đau bụng, vài ngày đầu không nên ăn rau sống, trái cây, thức ăn lạnh và sữa bò, chỉ nên dùng cháo thêm muối để bổ sung muối khoáng và phần nước. Nếu muốn dứt tiêu chảy tạm thời, có thể dùng thuốc trong thành phần có loperamide.

Tuy nhiên cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ và dược sĩ trước khi dùng. Cũng có thể uống một tách trà gừng đậm. Không nên dùng ngay thuốc chống tiêu chảy mà không biết tiêu chảy là chức năng điều tiết tự động của cơ thể. Thuốc tiêu chảy sẽ làm giảm nhu động ruột, làm cho thức ăn bẩn lưu lại trong cơ thể, ngăn cản việc bài tiết độc tố ra ngoài, có hại cho sức khỏe. Tiêu chảy 1 – 2 lần không cần dùng thuốc, 4 – 5 lần thì cần đến gặp bác sĩ.

Theo Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường/Người Lao Động
 

Bình luận (0)