Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Hóc Môn, TP.HCM: Nuôi kỳ nhông, một mô hình hứa hẹn

Tạp Chí Giáo Dục

Đến thăm mô hình nuôi kỳ nhông của anh Lê Á Châu (57 tuổi), ở ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, anh xách rọ kỳ nhông vừa bắt để giao cho khách khoe: “Ngày mai khách từ Long An qua lấy 100kg, ba ngày sau khách từ Đồng Nai, An Giang cũng về lấy giống về nuôi”.

Dẫn chúng tôi đi một vòng trại, anh cho biết, trong 5.000 con kỳ nhông anh đang nuôi, hiện có 2.000 con đang đẻ trứng (bảy tháng đẻ một lần), thu hoạch tối thiểu mỗi tháng 500 kỳ nhông con. Anh bán 350.000đ/kg (mỗi ký từ hai – ba con), thu nhập từ trại kỳ nhông của anh sau khi trừ chi phí, bình quân từ 100 – 200 triệu đồng/năm.
Anh Châu vốn là con nhà nông ở Long An. Năm 1995, cuộc sống bấp bênh, anh đưa vợ con lên TP.HCM và xin làm nhân viên bán hàng trong khu du lịch Suối Tiên. Bán hàng được một năm, cái “chất” nông dân trỗi dậy, anh xuống tận Củ Chi mướn đất nuôi cá. Lạ chỗ, không hiểu rõ thời tiết nên cả ao cá anh thu về lại được vài trăm ngàn. Một dịp ra Bình Thuận thăm người bạn, thấy nhà nào cũng nuôi kỳ nhông, vừa không khó, vừa mang lại thu nhập cao, anh quyết định học cách nuôi.
Rút kinh nghiệm từ thất bại trong lần nuôi cá, trước khi bắt đầu, anh đến một số tỉnh như Nha Trang, Phan Thiết (những nơi nổi tiếng làm giàu từ kỳ nhông) để học hỏi. Sau khi vay tiền đầu tư chuồng trại, đầu năm 2008, anh khởi nghiệp với 50 kỳ nhông con (khoảng 18 con/kg, 400.000đ/kg giống). Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi thêm từ sách vở, sau bảy tháng nuôi, kỳ nhông sinh sản, nhân lên gần 200 con. Thấy nuôi kỳ nhông dễ, anh đầu tư mở rộng diện tích trại từ 700m2 ra 1.100m2, với hơn 500 con.
Anh Châu chia sẻ: “Kỳ nhông là loại ăn tạp, nên thức ăn rất đơn giản. Ngoài một bữa ăn thêm là cám viên cho kỳ nhông bóng mượt, thì thức ăn chính vẫn là rau củ quả. Kỳ nhông có thể ăn nhiều loại như trái trứng cá chín, rau muống, cải xanh… Nhờ nguồn thức ăn tự nhiên nên dù là kỳ nhông nuôi nhưng thịt vẫn mềm, thơm ngon và dinh dưỡng cao. Kỳ nhông có sức đề kháng tốt, ít bệnh, trứng đẻ bao nhiêu nở đủ bấy nhiêu (mỗi con đẻ từ bốn – năm trứng). Mỗi năm kỳ nhông đẻ hai lần, mỗi con đẻ từ năm – sáu lứa, sinh sản hoàn toàn tự nhiên không hề có sự can thiệp của con người”.
Theo anh Châu, chỉ cần có vốn đầu tư người dân có thể làm giàu từ mô hình này
Để nuôi kỳ nhông, theo anh, chỉ cần chăm chỉ và chịu khó. Dù nuôi dễ, nhưng khi mới bắt đầu, anh cũng gặp một số khó khăn. Chẳng hạn, kỳ nhông rất nhát, thấy người lạ sẽ chui xuống cát, không có người mới chịu ra khỏi hang để ăn. Nếu tình trạng bỏ ăn diễn ra hai – ba ngày kỳ nhông sẽ ốm, có khi chết. Do đó, chuồng nuôi phải hoàn toàn cách ly với bên ngoài. “Trước khi nuôi kỳ nhông, tôi cũng học kinh nghiệm nhiều nơi như ở Bình Thuận, Cam Ranh, Hòa Thắng… nhưng chỉ là lý thuyết suông; quan trọng là khi mình làm, phải tự rút kinh nghiệm” – anh Châu nói.
Kỳ nhông đang được chuộng như một loại đặc sản giàu dinh dưỡng, nên giá cả có cao nhưng vẫn luôn ổn định đầu ra. Theo anh Châu, nuôi kỳ nhông không phải mô hình mới nhưng do chưa hiểu rõ nên bà con e ngại. Trong những lớp học khuyến nông ở huyện tổ chức, anh luôn bắt theo vài con kỳ nhông để “quảng cáo”, vì anh mong muốn trong thời gian sắp tới, mô hình này sẽ được nhân rộng hơn.
Bà Cao Thị Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng cho biết: “Tuy không mới, nhưng đây lại là mô hình nuôi kỳ nhông đầu tiên ở Hóc Môn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hội Nông dân xã đang có kế hoạch triển khai và nhân rộng toàn xã để bà con có thể tìm hiểu và phát triển”.
Hoa Lài / Phụ Nữ

 

Bình luận (0)