Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Về quê tìm việc

Tạp Chí Giáo Dục

Suy thoái kinh tế đã khiến nhiều lao động phải chịu cảnh mất việc. Họ trở về quê tìm cơ hội việc làm, nhưng điều này cũng không mấy dễ dàng…

Hồi hương

Phiên giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 20 hằng tháng tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Thừa Thiên – Huế thu hút rất đông người lao động đến tìm việc. Bên cạnh những người tìm kiếm cơ hội việc làm lần đầu, có không ít người đã nhiều năm bôn ba làm việc ở các tỉnh phía Nam nay trở về tìm việc ngay tại quê hương của mình. Chị Nguyễn Thị Hà – quê ở xã Phú An, huyện Phú Vang – tâm sự: “Vào làm công nhân may cho một công ty tại khu công nghiệp Bình Dương, lương cũng tạm nhưng cả năm mới được về thăm nhà một lần nên nhớ nhà lắm. Đến sàn giao dịch việc làm lần này, tôi cũng mong mình kiếm được một công việc ổn định để được gần nhà và ổn định cuộc sống, chứ thân gái mà cứ đi xa hoài cũng khổ”.

Có khá nhiều trường hợp như chị Hà. Bởi, nếu tìm được một công việc ngay tại quê hương của mình, gần gia đình thì dù lương có thấp hơn chút đỉnh cũng không đáng gì. Được biết, mỗi phiên giao dịch việc làm của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh có hàng chục doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với số lượng lao động phổ thông rất lớn. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tìm đủ lao động vào làm việc, mặc dù đã có chiến dịch quảng bá xuống tận các làng quê. Chị Bạch Thị Bảo Tiên – Phó giám đốc Công ty Scavi Huế, trăn trở: “Nhà máy mới đi vào hoạt động 1 năm nên nhiều dây chuyền của chúng tôi còn thiếu lao động. Để tìm đủ lao động cho nhà máy, công ty đã tổ chức các buổi nói chuyện tại các thôn, xã trên địa bàn nhằm tìm kiếm những lao động mất việc tại các thành phố lớn trở về nhưng cũng không mấy khả thi. Mặc dù người lao động ở nông thôn đã tự tin khi đến phỏng vấn, song họ vẫn còn khá e dè khi vào tiếp xúc với công việc mới”.

Những trở ngại

Tại diễn đàn định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên vào ngày 20 hằng tháng – do Tỉnh Đoàn, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức – có rất nhiều ý kiến bàn luận về việc hỗ trợ vay vốn cho thanh niên lập nghiệp tại quê nhà. Với địa hình đồi cát ven biển, xã Phong Hải (huyện Phong Điền) có lợi thế để phát triển rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Thế nhưng, rất nhiều thanh niên ở đây lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đó là thiếu nguồn vốn để đầu tư cải tạo ao hồ. Để có một hồ tôm lập nghiệp, mỗi thanh niên trung bình phải có một số tiền ít nhất cũng gần 200 triệu đồng. Do số tiến khá lớn, huy động từ phía gia đình không đủ, nhiều thanh niên đã tìm đến phương án hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng. Anh Hoàng Văn Sửu, Bí thư Xã Đoàn Phong Hải (huyện Phong Điền), day dứt: “Để nuôi tôm, thanh niên phải có từ 200 – 250 triệu đồng mới mong làm ăn có lãi. Nhưng theo quy định, mỗi thanh niên chỉ vay được số tiền 20 triệu đồng. Nên nếu anh muốn vay chừng đó tiền để lập nghiệp, anh phải mượn thêm… 10 thanh niên!”.

Một vấn đề khác cũng đáng được quan tâm trong việc hỗ trợ thanh niên vay vốn, giải quyết việc làm là các thủ tục vay vốn. Theo quy định, thanh niên muốn vay vốn lập nghiệp đòi hỏi phải có hộ khẩu riêng (nghĩa là đã tách riêng hộ). Nhiều thanh niên bức xúc cho rằng họ đang sống cùng bố mẹ, chưa lập gia đình thì làm sao tách hộ. Mà nếu vậy thì bao nhiêu dự định để lập thân lập nghiệp ngay trên chính quê hương của mình họ đành phải bỏ qua! Anh Nguyễn Quang Tuấn – Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên – Huế, tâm sự: “Kiến thức của cán bộ Đoàn đối với nghề nghiệp, việc làm còn hạn chế nên chưa thể tư vấn được cho thanh niên một cách rõ ràng. Với lại, không ít cán bộ Đoàn còn thụ động, chưa chủ động để đến với thanh niên nên định hướng việc làm cho thanh niên ở nông thôn chưa được tốt”.

Minh Phương (TNO)

 

Bình luận (0)