Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp ngập trong nợ

Tạp Chí Giáo Dục

Tồn kho gia tăng đồng thời nợ phải thu, nợ khó đòi cũng gia tăng là thực trạng mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.
Các doanh nghiệp (DN) có nợ phải thu tăng cao thể hiện trong báo cáo tài chính (BCTC) đa số là các đơn vị sản xuất trong các ngành sắt thép, xây dựng, thủy sản…
Nợ phải thu tăng cao
Tính đến hết tháng 6.2013, Công ty cổ phần (CTCP) thép Nam Kim (NKG) có khoản phải thu ngắn hạn lên đến 808,2 tỉ đồng, gần gấp ba lần so với con số đầu năm. Trong đó, khoản phải thu của khách hàng là 748,5 tỉ đồng. Khách hàng nợ NKG lớn nhất là Công ty TNHH thép Trường Giang với 475 tỉ đồng (62,6% tổng khoản phải thu). Theo Tổng giám đốc NKG Phạm Văn Trung, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của công ty tăng nên cũng kéo theo khoản nợ phải thu tăng. Tùy theo mùa vụ và thời điểm kinh doanh, nên có lúc khi chốt số liệu kế toán thì số nợ tăng, rồi sau đó sẽ giảm xuống. Riêng Công ty thép Trường Giang là đối tác kinh doanh lớn và hai bên liên tục phát sinh hợp đồng mua bán nên cả nợ phải trả lẫn phải thu đều nhiều.
Tương tự, CTCP thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) cũng có nợ phải thu đến hết tháng 6 là 842,8 tỉ đồng, gần gấp đôi so với con số hồi đầu năm. Đặc biệt tại VTF, hàng tồn kho, nhà máy sản xuất thức ăn, máy móc thiết bị và quyền sử dụng đất… đều đã được công ty thế chấp để vay ngân hàng. CTCP Hùng Vương (HVG) cũng có khoản phải thu lên đến hơn 2.607 tỉ đồng, tăng 40,5% so với đầu năm. Trong đó nợ phải thu của khách hàng nước ngoài hơn 1.660 tỉ đồng. Ở CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), tổng nợ phải thu 6 tháng đầu năm nay không tăng so với cuối năm 2012. Thế nhưng, HPG vẫn còn tồn đọng khoản nợ phải thu 264 tỉ đồng từ việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông cho một công ty con của HPG. Công ty đã phải trích lập dự phòng là 164 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực VLXD, sắt thép có nợ phải thu tăng cao – Ảnh: D.Đ.M
Nguy cơ
Theo giám đốc một DN sản xuất thép tại TP.HCM, để đảm bảo thanh khoản của DN không bị ảnh hưởng do các khoản nợ đang tồn đọng, thời gian cho khách hàng trả chậm không nên quá dài, tối đa chỉ khoảng 60 ngày. Một khi đã phát sinh nợ khó đòi thì phải tìm cách tháo gỡ ngay như giãn nợ, cơ cấu lại nợ, tư vấn bán tài sản hay nâng vốn tự có để có tiền trả nợ…
Một chuyên gia tài chính nhận định: Khoản phải thu là một trong những nguyên nhân có khả năng khiến DN “chết”, bên cạnh các nguyên nhân khác như suy kiệt dòng tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn, đầu tư ngoài ngành, tồn kho, tài sản cố định phải khấu hao, tiền thuê bất động sản… Khi khoản phải thu trở thành nợ khó đòi thì việc xử lý cũng khá vất vả, tốn tiền lẫn thời gian. Xét về bản chất, đây là khoản tín dụng thương mại nên để tránh những nguy cơ lớn hơn từ hoạt động này, các DN phải xây dựng được chính sách quản trị chặt chẽ hơn.
Chuyển nợ thành vốn góp
Cách xử lý nợ của CTCP xây dựng công nghiệp và dân dụng dầu khí (PXI) là một kinh nghiệm các DN khác có thể tham khảo. Cuối năm 2012, công ty này vẫn còn khoản phải thu 31,7 tỉ đồng từ CTCP đầu tư xây lắp dầu khí Sài Gòn (PVC-SG). Theo PXI, đã có các dấu hiệu suy giảm về khả năng thanh toán của phía công ty con nợ. Vì vậy sau khi xem xét đánh giá về tình hình tài chính cũng như khả năng thanh toán, Công ty PXI đã xin chủ trương để chuyển đổi thành phần góp vốn vào hai dự án do PVC-SG làm chủ đầu tư để thu hồi khoản công nợ nêu trên.
theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)