Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu: Xoay xở để giá chỉ tăng nhẹ

Tạp Chí Giáo Dục

Chưa năm nào, giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất bánh trung thu tăng cao như năm nay. Cũng chưa có mùa bánh nào lượng đơn đặt hàng vừa chậm, trị giá đơn hàng vừa thấp như năm 2014. Để cạnh tranh, thị trường bánh trung thu đang bước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt.

Nguyên liệu tăng gần 3 lần!

Theo thông tin từ Công ty Kinh Đô, mùa trung thu năm nay, Kinh Đô sẽ tung ra thị trường khoảng 2.800 tấn bánh các loại, trong đó dòng bánh cao cấp tăng 25% và bánh truyền thống tăng 12% so với năm ngoái. Công ty Bibica cũng đưa ra thị trường 530 tấn bánh, tăng 15% so với cùng kỳ. Như vậy, đến thời điểm này chỉ có 2 đơn vị trên công bố tăng sản lượng, còn hầu hết các thương hiệu khác chưa có ý định tăng sản lượng vì nhiều lý do.

Dòng bánh trung thu cao cấp trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận TPHCM được nhiều khách hàng tham khảo. Ảnh: CAO THĂNG

Về giá bán, nhìn chung giá bánh trung thu năm nay tăng khoảng 5% – 10% so với năm trước. Theo ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Bibica, năm nay công ty điều chỉnh giá tăng nhẹ từ 5% – 10%, dao động bình quân từ 36.000 – 130.000 đồng/cái, trong đó dòng bánh cao cấp từ 350.000 – 790.000 đồng/hộp. Giá bánh của Kinh Đô cũng tăng bình quân 7% so năm trước. Bánh của các DN khác như Thành Long, Như Lan… cũng tăng 5%.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, chủ cơ sở bánh mứt Thành Long cho biết, có lẽ chưa năm nào, doanh nghiệp (DN) sản xuất bánh trung thu phải loay hoay nhiều trước bài toán sản lượng và lợi nhuận như năm nay.

Nguyên nhân do hầu hết nguyên liệu đầu vào đều tăng giá thấp nhất 10% và cao nhất gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái: hạt dưa từ 65.000 – 70.000 đồng/kg nay tăng 185.000 đồng/kg; mè từ 60.000 đồng/kg tăng gần 80.000 đồng/kg; hạt điều tăng gấp đôi; giá nhân công cũng tăng gấp rưỡi… Đó là chưa kể giá xăng dầu từ mùa trung thu năm ngoái đến năm nay đã 4 lần điều chỉnh tăng; mới đây nhất, việc kiểm soát tải trọng xe đã “đội” chi phí vận chuyển khá cao.

Nếu DN cứ căng theo giá nguyên liệu đầu vào để điều chỉnh giá bánh thành phẩm, chắc chắn sẽ rất ít người tiêu dùng có đủ tiền thưởng thức bánh trung thu. Vì vậy, để bán được bánh, DN buộc phải xoay xở, tính toán nhiều hơn để giảm chi phí, đồng thời phải chấp nhận giảm lợi nhuận để bù vào các phần nguyên liệu tăng giá.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy: “Lý do khiến mặt hàng hạt dưa tăng cao, có thể những năm trước nguồn cung cấp chủ yếu từ Trung Quốc, nhưng năm nay các DN đã từ chối nguồn cung từ nước này, thay thế bằng các nguồn cung ứng khác nên giá đầu vào cao hơn. Về sản lượng bánh, tôi không tin các DN có thể tăng sản lượng bánh từ 10% – 20%, bởi sức mua hiện nay rất yếu.

Riêng đối với Thành Long, đơn đặt hàng tại thời điểm này khá chậm, trị giá đơn hàng thấp, do vậy cơ sở dự tính nếu sản lượng tiêu thụ bằng năm ngoái đã là quá tốt”.

Cạnh tranh ở phân khúc bánh cao cấp

Những năm gần đây, mỗi mùa trung thu là dịp để các thương hiệu chào hàng những sản phẩm mới. Trong đó, việc tận dụng tối đa các loại mứt trái cây để làm nhân bánh đang trở nên phổ biến như các vị mứt dâu, mứt chanh mật ong, mứt cam, mứt kiwi… chế biến theo phong cách đa dạng, lạ miệng, hoặc bánh được làm từ các nguyên liệu truyền thống như mứt củ sen, mứt vỏ bưởi, mứt củ năng nhằm tạo sự khác biệt cho người sử dụng.

Dòng bánh trung thu cho người sợ béo, ăn kiêng và tiểu đường, bánh trung thu chay… cũng được các DN chú trọng và liên tục thay đổi nhân bánh để tạo ra nhiều hương vị. Xu hướng sản xuất bánh trung thu tươi (hay còn gọi bánh nóng) cũng đang được các thương hiệu như Bibica, Thành Long… sản xuất thử nghiệm. Thế mạnh của loại bánh này là mềm, thơm ngon nhưng do thời hạn bảo quản ngắn, từ 15 – 20 ngày (trong khi bánh truyền thống để được từ 40 – 50 ngày) nên các DN chưa thể sản xuất đại trà mà chỉ dừng lại ở các đơn đặt hàng.

Cho dù có nhiều cố gắng trong việc đưa ra những sản phẩm khác biệt từ chất lượng đến hương vị, nhưng từ thực tế tiêu dùng, có thể thấy, thị trường bánh trung thu cao cấp làm quà biếu – vẫn là phân khúc cạnh tranh nhiều nhất.

Nhiều DN đã đầu tư, nghiên cứu đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao cấp, bao bì mẫu mã sang trọng với mức giá cao ngất. Hệ thống các nhà hàng, khách sạn lớn của TP cũng vào cuộc với giá mỗi hộp bánh lên đến từ 800.000 – 1.000.000 đồng.

Một DN trong ngành sản xuất bánh cho rằng, sở dĩ các DN đua nhau đầu tư và cạnh tranh ở phân khúc bánh cao cấp vì chính dòng bánh này mới mang lại lợi nhuận khủng cho DN. Còn như giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như hiện nay, những DN sản xuất các loại bánh trung thu truyền thống phải tính toán thật kỹ mới có thể tránh lỗ.

THÚY HẢI (SGGP)

Bình luận (0)