Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong “bão”

Tạp Chí Giáo Dục

Công nhân Công ty Lock&Lock Vina, tại nhà máy ở khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Lê Toàn

Các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam hoạt động ra sao trong giai đoạn khó khăn này? Dưới đây là một số góc nhìn của những người đứng đầu các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam về tình hình hoạt động của doanh nghiệp nước họ.

Không tránh khỏi khủng hoảng

Trong cuộc nói chuyện với TBKTSG hồi cuối tuần rồi, ông Lee Chang Keun, Chủ tịch danh dự Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TPHCM (Kocham), cho biết trong khoảng 1.500 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam thì có gần 500 doanh nghiệp gặp vấn đề nghiêm trọng trong kinh doanh và 100 doanh nghiệp trong số đó không thể “sống sót”. Trong 1.000 doanh nghiệp còn lại thì chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp được xem là vẫn đang hoạt động bình thường, ít bị tác động của cuộc khủng hoảng.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mua sắm, giải trí, điện và điện tử ít bị ảnh hưởng nhất trong khi các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, túi xách (chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam) đang trải qua thời điểm khó khăn nhất.

Trong những năm qua, Hàn Quốc luôn là một trong những quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Về vấn đề giải ngân vốn, quốc gia này cũng xếp ở những vị trí đầu tiên. Tuy nhiên, theo ông Lee Chang Keun, năm nay những vị trí này có thể bị tụt xuống thấp hơn.

Lý do được ông Lee – cũng là Tổng giám đốc Công ty Lock&Lock Vina, một công ty Hàn Quốc với số vốn 20 triệu đô la Mỹ có nhà máy ở Đồng Nai, chuyên sản xuất hộp nhựa đựng thức ăn – đưa ra là khoảng 20% doanh nghiệp Hàn Quốc có số vốn từ 10 triệu đô la đến hàng tỉ đô la Mỹ và 80% còn lại có vốn vài triệu đô la. Và các doanh nghiệp nhỏ này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dệt may, túi xách nên chịu tác động mạnh của suy thoái kinh tế.

Ông cũng cho biết thêm Posco và Kumho, hai nhà đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc tại Việt Nam, cũng đang cắt giảm một số dự án ở Việt Nam vì suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, ông Dhananjay Kumar, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (Incham), cho biết trong hai năm trở lại đây, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đã tăng vọt nhờ hai dự án lớn của Tata và Essa, vì cho đến nay chỉ có khoảng 7-8 công ty Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam trong khi có đến 75-80 doanh nghiệp làm dịch vụ thương mại tại đây.

Ông Kumar cho biết có nghe thông tin Công ty Essa đang có kế hoạch cho ngưng hoặc giảm quy mô dự án thép hàng tỉ đô la Mỹ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác cũng đang tính đến việc cắt giảm các kế hoạch kinh doanh tiếp theo tại Việt Nam vì không vay được vốn ngân hàng.

Ông Patrick Downey, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (Auscham) chi nhánh TPHCM, thì nói: “Không cần hỏi gì nữa, đây là thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp ngành thép”. Úc hiện có hai doanh nghiệp lớn đầu tư các dự án thép ở Việt Nam là BlueScope Steel ở Bình Dương và Austeel ở Hải Phòng.

Những lĩnh vực ít bị ảnh hưởng

Tuy nhiên, ông Downey, người đã sống ở Việt Nam 19 năm qua, cho rằng ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam chủ yếu ở các ngành sản xuất, bao gồm dệt may, da giày, sợi… trong khi phần lớn trong số hơn 100 doanh nghiệp Úc tại Việt Nam hoạt động ở các ngành ngân hàng, luật, khai thác mỏ và chỉ có số ít hoạt động trong ngành chế biến và sản xuất.

“Trong thời gian qua, khi tiếp xúc với doanh nghiệp, họ đều cho biết rất bận rộn và vẫn tin vào tương lai”, ông Downey nói. Bên cạnh đó, ông còn cho biết giáo dục là một trong những lĩnh vực đầu tư thành công nhất của Úc tại Việt Nam với nhiều viện, trường và trung tâm đã được hình thành, trong đó nổi bật là trường quốc tế RMIT.

Ông Patrick Wolfe, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Canada tại Việt Nam (Cancham), cũng cho biết đầu tư giáo dục tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước này phát triển khá mạnh. Trung tâm Giáo dục Canada (CEC) được thành lập nhiều năm qua với nhiệm vụ ủng hộ nền giáo dục tại đất nước mà theo ông là có cơ cấu dân số khá trẻ.

Theo ông Lee Chang Keun, ngoài các ngành bị ảnh hưởng nặng là dệt may và da giày thì doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong các lĩnh vực khác như hàng điện tử, thiết bị máy móc và sản phẩm hỗ trợ ngành công nghiệp ăn uống ít bị ảnh hưởng, “thậm chí vẫn hoạt động tốt”. Ông lấy ví dụ từ chính Công ty Lock&Lock Vina. Hiện sản lượng hộp đựng thức ăn tiêu thụ trong nước của công ty chiếm 80% và xuất khẩu là 20%.

Còn ông Kumar thì cho biết ngành kinh doanh dược phẩm của các công ty Ấn Độ tại Việt Nam vẫn hoạt động khá tốt, không bị ảnh hưởng nhiều bởi suy thoái kinh tế.

Một vấn đề khác phát sinh từ cuộc khủng hoảng là làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam năm nay dường như đang có xu hướng giảm. Ông Lee Chang Keun cho biết số lượng các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam đang giảm. Năm 2008, số nhà đầu tư mới vào Việt Nam là 200. Còn trong năm nay, theo dự báo, chỉ có khoảng 50 trường hợp tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông Lee và những đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính so với các nước khác trong khu vực, vì vậy các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tin tưởng vào thị trường tiềm năng này và sẽ quay lại trong thời gian tới.

Việt Nam là thị trường tạo ra nhiều cơ hội. Việc giảm số lượng đầu tư hiện nay chỉ là tạm thời, ông Downey nói.

Về phần mình, các hiệp hội này cũng thống nhất rằng trong giai đoạn này, họ sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc ủng hộ các doanh nghiệp nước họ tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam đầytiềm năng.

Tuy nhiên, họ cũng cho biết rất cần sự giúp sức từ các cơ quan chính phủ về các chính sách, thuế, cơ sở hạ tầng… để doanh nghiệp cảm thấy dễ thở hơn trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

 

Những thuận lợi và khó khăn khi kinh doanh ở Việt Nam

Ông Patrick Wolfe, Giám đốc điều hành Cancham, cho rằng: “Ở các nước như Hàn Quốc hay Nhật Bản, các doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn”. Ông cũng cho biết thêm ngày càng có nhiều doanh nghiệp Canada chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam với hai lý do chính là chi phí nhà xưởng, nhân công thấp và tiềm năng của một thị trường đầy năng động.

Ông Patrick Downey cũng cho rằng: “Nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam ít bị ảnh hưởng hơn so với các nước khác trong khu vực”.

Còn ông Lee Chang Keun thì đề cập đến vấn đề thay đổi xu hướng đầu tư vì môi trường đầu tư ở Việt Nam bây giờ cạnh tranh hơn so với Thái Lan, Malaysia hay Indonesia.

Các doanh nghiệp Ấn Độ hiện xem Việt Nam như một quốc gia mạnh về gia công phần mềm ở khu vực châu Á. Bên cạnh đó, ông Dhananjay Kumar còn cho biết: “Kinh doanh bán lẻ đang phát triển mạnh tại Việt Nam, vì vậy chúng tôi có thể kinh doanh siêu thị tại đây”.

Ông Downey cho biết các doanh nghiệp Úc rất quan tâm đến thị trường địa ốc ở Việt Nam. Tuy nhiên do cơ sở hạ tầng yếu kém cùng với những bất cập trong quy định về bất động sản, các doanh nghiệp này vẫn đang xem xét lại kế hoạch đầu tư.

Ông Wolfe cho biết cơ sở hạ tầng Việt Nam cần được cải thiện hơn. “Ở các nước trong khu vực, đường sá, tàu điện ngầm, tàu cao tốc, tàu lửa chất lượng cao được xây dựng và hoạt động tốt, còn ở Việt Nam thì chưa có gì cả. Du lịch là một ngành mũi nhọn của Việt Nam, cụ thể là quản lý khách sạn, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp Canada tham gia vào lĩnh vực này”, ông nói.

Trung Châu (TBKTSG)

 

Bình luận (0)