Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn, ngân hàng Việt điêu đứng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều ông chủ FDI ra đi không hẹn ngày trở lại, làm cho các ngân hàng Việt Nam điêu đứng, các địa phương lúng túng. Ngày 4-1, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định với PV rằng, rất khó tìm tung tích doanh nghiệp FDI bỏ trốn, xù nợ.

Nhà đầu tư Kenmark (Đài Loan) đã bỏ đi để lại nhà xưởng tại TP Hải Dương và món nợ khoảng 50 triệu USD vay của các ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Phong Cầm.
Bỗng dưng mất tích
Trong số hàng trăm doanh nghiệp tại Đồng Nai được xếp vào diện vắng chủ (thực chất là đã bỏ trốn), có đến 42 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).
Năm 2012 tình hình kinh tế khó khăn, danh sách doanh nghiệp ngưng hoạt động ở Đồng Nai càng dài ra. Ngoài những doanh nghiệp làm thủ tục giải thể theo quy định, nhiều doanh nghiệp lặng lẽ đóng cửa, chỉ đến khi công nhân kiện tụng đòi lương, vụ việc mới vỡ lở, chủ doanh nghiệp đã biến mất.
Doanh nghiệp FDI ra đi, để lại khoản nợ lương, nợ thuế, nợ ngân hàng, nợ BHXH… Ngành chức năng cũng không thể xử lý được nên phải khoanh vào diện doanh nghiệp vắng chủ chờ xử lý.
Một lãnh đạo ngân hàng ở Đồng Nai cho rằng, khổ nhất là các ngân hàng. Tuy nhiên, mất bao nhiêu là con số nhạy cảm không được công bố.
Là một “chủ nợ” của 31 doanh nghiệp FDI vắng chủ từ năm 2004 đến nay với số nợ lên tới hàng tỷ đồng, BHXH Đồng Nai chưa thể thu hồi được khoản nợ BHXH nào từ các doanh nghiệp này.
Ông Phạm Minh Thành – Phó giám đốc BHXH Đồng Nai cho biết, hầu hết khi phát hiện các doanh nghiệp vắng chủ, không có gì để thu hồi, vì đất đai, nhà xưởng, máy móc… họ đều đi thuê.
Tài sản doanh nghiệp cũng đã thế chấp cho ngân hàng. BHXH chỉ có thể phối hợp Ban quản lý các KCN vào thu hồi các sổ bảo hiểm để… chốt sổ nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động.
Tại Bình Dương, trong năm 2012, có 560 trong số gần 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động SXKD phải giải thể, tạm ngưng hoạt động.
Cục thuế tỉnh cho biết, những tháng cuối năm 2012, liên tục có những doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI bỏ địa chỉ kinh doanh (tạm hiểu là bỏ trốn).
Chỉ trong nửa đầu tháng 11-2012, Cục thuế Bình Dương đã phát đi 8 thông báo về việc cơ sở kinh doanh bỏ địa chỉ kinh doanh như: Cty CP Môi trường Việt Đức, Cty TNHH Thuần Dương, Cty Cổ phần Minh Thương, Cty TNHH MTV Thủy Tú, Cty TNHH Minh Phú, Cty TNHH Nam Vang, Cty TNHH Kim Thế Kỷ và Cty CP Hưng Đông Phát…
Khó tìm tung tích
Theo Ban quản lý các KCN Đồng Nai, vấn đề các doanh nghiệp vắng chủ ngưng hoạt động nhưng không giải quyết được là do vướng mắc từ Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thi hành án dân sự cũng như các văn bản hiện hành chưa có quy định xử lý đối với loại pháp nhân này.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, số doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn hay bỏ địa chỉ kinh doanh chắc chắn sẽ lớn hơn con số thống kê trên.
Ông Lê Việt Dũng – Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương đã gặp nhiều trường hợp doanh nghiệp bỏ nhà xưởng sản xuất, để lại một khoản nợ lớn về lương, phúc lợi cho người lao động và thuế nhà nước…
Ngày 4-1, trả lời PV Tiền Phong về việc làm sao để truy thu các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng trong nước khi doanh nghiệp FDI bỏ trốn, xù nợ, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, thực trạng doanh nghiệp FDI vay nợ của các tổ chức tín dụng trong nước, sau đó xù nợ bỏ trốn về nước đã xảy ra tại một số địa bàn và ở các khu công nghiệp trong cả nước.
Ông Vinh cho rằng, doanh nghiệp FDI bỏ trốn, xù nợ do làm ăn thất bát. Các nhà đầu tư nước ngoài khi vay đều phải thế chấp tài sản, chứ không thể tự dưng vay được tiền từ ngân hàng. “Do đó, liên quan các tài sản thế chấp, sẽ có cơ quan để xử lý”- Bộ trưởng Vinh khẳng định.
Tuy nhiên, trong trường hợp các tài sản này không xử lý được, Bộ KH&ĐT sẽ phải xem xét lại các hợp tác, các quy định của luật pháp quốc tế để xử lý.
Khó khăn lớn nhất là ngay bản thân các cơ quan chức năng nơi có doanh nghiệp FDI bỏ trốn cũng không phát hiện được thời gian họ về nước; thậm chí, lãnh đạo khu công nghiệp nơi có doanh nghiệp FDI hoạt động cũng không nắm được. Do đó, rất khó tìm được địa chỉ của các doanh nghiệp FDI sau khi họ bỏ trốn.
“Với trường hợp rõ địa chỉ thì có thể xử lý được, nhưng nhiều trường hợp không biết địa chỉ nên các khoản nợ bị treo”- ông Vinh cho biết.
Tính đến hết tháng 3-2012, Cục Thuế TPHCM cho biết đã có 5.012 doanh nghiệp gửi thông báo ngừng hoạt động tới Cục. Trong số này, 1.198 doanh nghiệp thuộc diện bỏ trốn, mất tích, chiếm tới 23% số doanh nghiệp ngừng hoạt động nói chung.
Một số liệu khác từ cơ quan hải quan cho biết, tính đến hết tháng 10-2012, riêng trong lĩnh vực gia công, có 60 doanh nghiệp FDI đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng kí kinh doanh, không thực hiện thanh khoản hợp đồng gia công. Hải quan TPHCM đã thực hiện ấn định thuế với tổng số thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Ông Hà Hữu Trí-Phó trưởng Phòng Đăng ký đầu tư (Sở KH&ĐT TPHCM) cho Tiền Phong biết tính đến 31-12-2012 trên địa bàn TPHCM có khoảng 100 doanh nghiệp FDI nằm ngoài các khu công nghiệp-khu chế xuất không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh theo giấy phép đầu tư. Đa số các doanh nghiệp này thuộc các nước châu Á. Đại Dương
Theo Tiền Phong

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)