Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đưa hàng bình ổn giá đến công nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Trong những tháng giáp tết, nhiều doanh nghiệp (DN) ở TPHCM tích cực tổ chức các cửa hàng liên kết với các nhà sản xuất để cung cấp các mặt hàng tiêu dùng bình ổn giá để hỗ trợ người lao động (NLĐ). Việc làm này không chỉ giảm bớt gánh nặng chi tiêu, tiết kiệm được thời gian mua sắm mà còn giúp NLĐ tiếp cận được những mặt hàng bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Phía DN cũng giải phóng lượng lớn hàng sản xuất, góp phần đầy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đa dạng cách thức

Để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ, Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TPHCM) đã tổ chức một cửa hàng bình ổn giá ngay trong khuôn viên công ty. Ngoài các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, sữa, rau, thịt… công đoàn công ty đã liên hệ với các đơn vị đầu mối cung cấp hàng tiêu dùng như xà phòng, dầu gội, dầu ăn… để mua và bán lại với giá gốc cho NLĐ.

Công nhân chọn mua hàng bình ổn giá.

Chị Nguyễn Thị Nga, công nhân (CN) tại đây cho biết, cửa hàng rất tiện lợi, CN tan ca có thể ghé mua đồ ăn, nhu yếu phẩm cần thiết với giá rẻ hơn cả ngoài chợ mà lại đảm bảo được an toàn thực phẩm. Đặc biệt, CN có thể mua hàng trước, đến kỳ lương công đoàn sẽ căn cứ hóa đơn để trừ lại. Không tự tổ chức được cửa hàng nhưng Công ty may Nhà Bè đã kết hợp với Sài Gòn Co.opMart mở hẳn một siêu thị mini để bán hàng cho NLĐ với giá ưu đãi ngay trong khuôn viên. CN có thể xuống mua sắm trực tiếp, hoặc nếu bận làm thì có thể chủ động đặt hàng qua điện thoại, sau đó hết giờ làm xuống nhận hàng. Điều này không chỉ giúp CN tiết kiệm được thời gian mua sắm mà còn mua được hàng đúng giá, đúng chất lượng.

Ngoài việc tổ chức các cửa hàng bình ổn, siêu thị mini trong DN, Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA) còn phối hợp Sở Công thương TP và các DN sản xuất hàng tiêu dùng tổ chức nhiều đợt bán hàng lưu động tới các KCN-KCX. Mỗi DN chọn 1 hoặc 2 ngày cố định trong tháng để chương trình bán hàng lưu động vào phục vụ trực tiếp NLĐ. Nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng trong HEPZA đã cam kết cung cấp cho các cửa hàng, chương trình bán hàng lưu động với giá xuất xưởng nên tạo điều kiện cho CN tiếp cận được sản phẩm với giá rẻ nhất.

Không chỉ đưa hàng đến tận DN, để CN mua hàng giá rẻ, chất lượng tốt góp phần xóa dần các chợ tự phát không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mới đây Trung tâm Hỗ trợ thanh niên CN TPHCM phối hợp cùng Huyện đoàn Bình Chánh, Liên hiệp HTX Thương mại TP ra mắt cửa hàng thanh niên gần các khu nhà trọ. Cửa hàng có hơn 100 mặt hàng như gia vị, mỹ phẩm, nhu yếu phẩm… được bán với giá ưu đãi từ chương trình bán hàng bình ổn giá.

Cần nhân rộng mô hình

Theo HEPZA, sau hơn 2 tháng triển khai, hiện đã có 20 DN có đông CN thực hiện việc bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn giá đến CN với những mặt hàng thiết yếu như đường, dầu ăn, gạo, trứng, nước mắm, thịt… Phần lớn hàng hóa được bán với giá gốc của nhà sản xuất đưa ra chứ không thông qua kênh phân phối. Do đó, chương trình này được gọi là chương trình giảm giá đúng nghĩa dành cho CN, với giá ưu đãi giảm 5% – 15%.

Chánh văn phòng HEPZA Hồ Xuân Lâm cho biết, tính đến nay trong HEPZA đã có 9 cửa hàng, siêu thị mini bình ổn giá cố định. Việc các DN mở các siêu thị mini, cửa hàng bình ổn giá tại các KCX-KCN đã thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho CN tiếp cận với hàng Việt, hàng bình ổn giá, bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy số lượng cửa hàng bình ổn giá, siêu thị mini kể trên còn khá khiêm tốn so với nhu cầu cần phục vụ vì lượng CN đang làm việc tại các DN trong HEPZA rất lớn, trung bình mỗi DN có tới hàng ngàn CN.

Do đó để phục vụ các mặt hàng tới tận tay CN, HEPZA đã thực hiện thêm chương trình bán hàng lưu động ngay tại DN chứ không bán bên ngoài như các năm trước. Theo đó, các nhà sản xuất sẽ bán hàng với giá gốc tại DN có từ 500 CN trở lên.

Ngoài ra, chương trình đưa hàng bình ổn giá vào các bếp ăn tập thể trong các DN nhằm hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm cũng rất quan trọng. Theo ông Hồ Xuân Lâm, việc đưa hàng bình ổn thị trường vào bếp ăn tập thể và hiện HEPZA đã làm đầu mối cung cấp hàng bình ổn giá cho 7 bếp ăn tập thể. Việc làm này không chỉ giúp hạn chế ngộ độc thực phẩm mà còn giúp NLĐ thấy được sự chăm lo của DN đối với họ. Việc đưa hàng về phục vụ tận tay CN không chỉ giúp họ tiết kiệm được thời gian mua sắm, được hưởng chính sách ưu đãi giá cả… mà nó còn giúp nhiều DN giải được bài toán hàng tồn kho.

Các cửa hàng tiện ích, bán hàng lưu động không chỉ giúp CN mua hàng giá rẻ, chất lượng tốt mà còn góp phần xóa dần các chợ tự phát vừa mất mỹ quan vừa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy mà các CĐ cơ sở, các DN cần nhân rộng mô hình đưa hàng bình ổn giá đến với NLĐ.

Hồ Thu (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)