Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhu cầu nhân lực một số ngành giảm đến 60%

Tạp Chí Giáo Dục

Thực trạng sản xuất, kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp, nhu cầu nhân lực quý 3/2011 bắt đầu giảm mạnh.

Nhu cầu nhân lực ngành dệt may, da giầy tại Tp.HCM giảm đến 60% trong tháng 7.
Theo thống kê của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong tháng 7 giảm khoảng 40% ở hầu hết các ngành nghề.
Đặc biệt những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giầy, chế biến…giảm đến 60% nhu cầu so với những tháng trước đó.
Dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM cho rằng tình hình tháng 8 cũng sẽ không khả quan hơn bao nhiêu. Dự đoán của cơ quan này, trong tháng 8, các doanh nghiệp sẽ thu hút khoảng 20.000 chỗ làm, giảm khoảng 20% so với tháng 7.
Tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, thực tế tuyển dụng cũng trầm lắng. Các trung tâm giới thiệu việc làm tại đây cho biết, các doanh nghiệp gần như không có nhu cầu tuyển mới. Số lao động nghỉ việc và đến tìm việc ở các trung tâm cũng giảm mạnh. “ Hình như cả doanh nghiệp và người lao động đều trong trạng thái nằm yên nghe ngóng”, giám đốc một trung tâm giới thiệu việc làm tại Hưng Yên nói.
Thực tế nhu cầu lao động giảm mạnh cũng như số lượng lao động thất nghiệp tăng cao, được các chuyên gia trong lĩnh vực lao động giải thích rằng, sau một thời gian dài cố gắng chống chọi với lạm phát, giá cả, chi phí và lãi suất tăng cao, các doanh nghiệp đã "kiệt sức" và đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, sản xuất, buộc phải giải thể hoặc thu gọn quy mô sản xuất.
Một chuyên gia đã dẫn chứng từ số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, trong tổng số 580 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, số thực hoạt động chỉ khoảng 360 nghìn doanh nghiệp. Chưa kể những doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất và phá sản.
Báo cáo của hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang cho thấy, từ đầu năm 2011 đến nay có 43 doanh nghiệp xin ngừng hoạt động, tăng hơn 30% so với năm 2010. Tương tự, tại tỉnh Bắc Ninh, từ đầu năm đến nay đã giải thể và thu hồi giấy chứng nhân đăng ký kinh doanh của 44 doanh nghiệp.
Tại Tp.HCM, số liệu của hiệp hội các doanh nghiệp cũng cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố có khoảng 30% doanh nghiệp phá sản trong tổng số các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
Đại diện một doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội cho biết, đây là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn. "Thậm chí khó khăn hơn các năm trước, cả về việc tiếp cận vốn cũng như chi phí vốn tăng quá cao. Chúng tôi đang phải hoạt động cầm chừng. Nếu một thời gian nữa tình hình không khá hơn thì ngừng hoạt động là điều khó tránh khỏi, nói gì đến việc tuyển thêm nhân lực".
Theo Vũ Quỳnh
VnEconomy

 

Bình luận (0)