Hội nhậpThế giới 24h

IAEA: Iran đã loại bỏ kho dự trữ hạt nhân nhạy cảm nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Iran đã tiến hành loại bỏ kho khí urani được làm giàu nhạy cảm nhất của nước này theo một thỏa thuận hạt nhân tạm thời đạt được hồi tháng 11/2013 với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng với Đức).

Thông tin trên do hãng Reuter (Anh) công bố ngày 20/7 dựa theo bản báo cáo cập nhật hàng tháng của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Bản báo cáo của IAEA cho thấy Iran đã đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận 6 tháng, theo đó hạn chế các hoạt động trong chương trình hạt nhân để đổi lấy việc phương Tây nới lỏng từng phần những biện pháp trừng phạt, vốn đang làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này.

Các điều tra viên IAEA tại nhà máy Natanz, cách thủ đô Tehran khoảng 300km về phía nam. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo thỏa thuận đạt được tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 24/11 năm ngoái, tới nay Iran đã dừng khía cạnh gây tranh cãi nhất trong chương trình hạt nhân – ngừng làm giàu urani với mức độ phân hạch 20%, và đã hoàn tất kế hoạch pha loãng hoặc chuyển đổi kho dự trữ nhiên liệu hạt nhân gần 210 kg còn lại thành oxide trong khoảng thời gian nửa năm. Ngoài ra, Iran cũng đã bắt đầu chuyển đổi một số lượng khí urani được làm giàu cấp thấp thành oxide và chuyển khoảng 1.500 kg vật liệu vào quá trình chuyển đổi này. Các chuyên gia phương Tây cho rằng thời gian để chế bom hạt nhân từ oxide sẽ lâu hơn nhiều so với từ urani, theo đó giảm nguy cơ Iran đẩy nhanh việc chế tạo bom nguyên tử.

Thỏa thuận sơ bộ đã hết hạn vào ngày 20/7, song sẽ được gia hạn thêm 4 tháng với một số điều chỉnh. Thỏa thuận được gia hạn sau khi các cuộc đàm phán giữa Iran và P5+1 tại thủ đô Vienna (Áo) thất bại, dẫn đến việc không đáp ứng thời hạn chót (trước ngày 20/7) cho một thỏa thuận dài hạn nhằm kết thúc tình trạng bế tắc hạt nhân kéo dài một thập kỷ qua và nhất trí tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, IEAE nhận định rằng thời gian 4 tháng gia hạn sẽ có không ít những khó khăn trong tiến trình đàm phán giải quyết những tranh chấp "cố hữu" ngay cả khi Iran đã đáp ứng các cam kết theo thỏa thuận sơ bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)