Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

“Bắt tay” làm giá: Thị phần nhỏ, khó xử lý

Tạp Chí Giáo Dục

Luật chỉ cấm nếu các bên tham gia thỏa thuận ấn định giá bán dịch vụ có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên.
Đến nay đã gần hết 30 ngày điều tra sơ bộ vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của 12 đơn vị bảo hiểm tại Khánh Hòa. Các DN bảo hiểm đang đưa ra một số căn cứ pháp lý để phản biện với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), cho rằng không thể điều tra tiếp vụ việc trên vì không có vi phạm.
Ký thỏa thuận ấn định giá
Cuối tháng 5-2011, tại văn phòng Công ty Bảo Việt Khánh Hòa (ở TP Nha Trang), 12 đại diện công ty và chi nhánh của các công ty bảo hiểm đã ký một “bản thỏa thuận” về bảo hiểm học sinh năm học 2011-2012. Trong đó, cam kết thực hiện triển khai bảo hiểm học sinh tại tỉnh Khánh Hòa với mức phí 80.000 đồng/năm/học sinh. Trước đó, mức phí bảo hiểm năm học 2010-2011 là 60.000 đồng/năm/học sinh. Bản thỏa thuận này cũng cam kết “trên tinh thần tôn trọng, hợp tác trong công việc, các bên cùng nhau cam kết thực hiện đúng những nội dung đã nêu trên”.
Cuối tháng 9, Cục Quản lý cạnh tranh đã ra quyết định điều tra sơ bộ vụ việc trên. Quá trình điều tra sơ bộ là 30 ngày.
Trong quá trình Cục điều tra sơ bộ, các DN bảo hiểm cũng đã xem lại bản thỏa thuận của các chi nhánh và cho rằng không có vi phạm về cạnh tranh.
Thị phần nhỏ
Công ty Bảo Minh Khánh Hòa (Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh) là một trong 12 đơn vị ký thỏa thuận. Bà Phạm Thanh Hải, Phó Chánh Văn phòng phụ trách pháp chế của Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, cho rằng xét về thị phần thì bản thỏa thuận trên không vi phạm Luật Cạnh tranh. Bà Hải cho biết các đơn vị bảo hiểm tùy vào mối quan hệ của mình mà có thể bán bảo hiểm tại một địa phương hoặc mở rộng trên toàn quốc. Ví dụ, chi nhánh tại TP.HCM mà có mối quan hệ khách hàng tốt thì vẫn có thể bán bảo hiểm tại thị trường Khánh Hòa. Luật chỉ cấm nếu các bên tham gia thỏa thuận ấn định giá bán dịch vụ có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên. thị phần Khánh Hòa trong thỏa thuận không chiếm trên 30%, do đó không vi phạm Luật Cạnh tranh.
TS Nguyễn Ngọc Sơn (ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM) cho rằng trường hợp thỏa thuận về bảo hiểm học sinh nói trên chỉ áp dụng “trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”. Nếu xét về thị phần thì người muốn mua bảo hiểm cũng có thể mua ở địa phương khác. Đơn vị bảo hiểm ở tỉnh khác cũng có quyền đến bán bảo hiểm ở tỉnh Khánh Hòa. Do đó, nhiều khả năng là vụ việc này không vi phạm Luật Cạnh tranh.
Đã từng xử lý
Bà Hải cũng cho biết việc ký kết này tổng công ty không biết. Nếu tổng công ty biết thì đã can thiệp ngay. Một loạt công ty bảo hiểm đã bị xử phạt vi phạm vào năm 2010 về hành vi thỏa thuận về bảo hiểm xe.
Theo báo cáo hoạt động thường niên Cục Quản lý cạnh tranh 2010 thì Cục đã từng xử lý một vụ việc thỏa thuận về bảo hiểm. Cuối năm 2008, 19 DN ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hóa, tàu biển, bảo hiểm xe cơ giới và điều khoản về biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô. Sau đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã điều tra.
Điều tra của Cục cho thấy thị phần kết hợp của 19 DN tham gia thỏa thuận chiếm đến 99,79% thị trường bảo hiểm vật chất xe ô tô tại Việt Nam. Vì vậy mà các DN đã bị phạt 0,025% tổng doanh thu của năm trước đó (trên 1,7 tỉ đồng) và chịu tổng chi phí xử lý vụ việc thêm 100 triệu đồng.
Luật Cạnh tranh quy định tám hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Trong đó, hành vi thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho DN khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những DN không phải là các bên của thỏa thuận; thông đồng để một hoặc các bên của thỏa thuận thắng thầu… là các thỏa thuận bị cấm, không cần xét thị phần.
Trong khi đó, các hành vi như thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; phân chia thị trường; hạn chế hoặc kiểm soát số lượng sản xuất, mua bán; thỏa thuận áp đặt cho DN khác điều kiện ký kết hợp đồng mua bán… chỉ bị cấm nếu các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên.
QUỲNH NHƯ
Theo Pháp luật

Bình luận (0)