Tại Diễn đàn Ngân hàng (NH) Đông Nam Á 2011 với chủ đề: “NH bán lẻ tại Việt Nam: Nhận diện những yếu tố quyết định thành công và vai trò của công nghệ trong việc xây dựng lợi thế cạnh tranh của NH” được tổ chức tại TP.HCM tuần qua, nhiều ý kiến của các diễn giả, chuyên gia công nghệ… mổ xẻ về thực trạng các dịch vụ bán lẻ của NH.
Chưa đáp ứng được nhu cầu
Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường Mỹ Research & Markets, thị trường thẻ Việt Nam được đánh giá là một thị trường năng động hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng khoảng 18,5% từ nay đến năm 2014. Số lượng thẻ thanh toán đã tăng từ 14,7 triệu thẻ trong năm 2008 lên đến hơn 40 triệu thẻ hiện nay, hơn 15.000 máy ATM và 72.000 máy POS.
Ngân hàng trong nước đang mở rộng phát triển thị trường bán lẻ.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cũng nhìn nhận nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ NH ngày một tăng cao. Tuy nhiên, chúng ta mới có khoảng 7 phòng giao dịch, điểm giao dịch cho 100.000 người dân trong độ tuổi trưởng thành. Hệ thống NH lại tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội khiến người dân vùng nông thôn ít có cơ hội tiếp xúc. Dịch vụ bán lẻ của các NH trong nước rất ít so với các quốc gia phát triển.
Hiện chỉ gần 20% dân số Việt Nam sử dụng dịch vụ NH. Thời gian qua, các NH cơ bản chú trọng vào huy động tiền gửi và cho vay. Một số NH đã hướng đến việc bán lẻ phục vụ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể… nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ NH ngày càng cao của khách hàng. Ông Sitthichai Parinyanusorn, Giám đốc marketing và phát triển kinh doanh phụ trách khối giải pháp dịch vụ tích hợp Diebold Thái Lan, cho rằng các dịch vụ thanh toán bán lẻ bao gồm cả dịch vụ chuyển khoản, internet banking, mobile banking… có chi phí cao cũng đang là rào cản đối với khách hàng.
Tranh thủ lợi thế sân nhà
Trong khi đó, nhiều NH nước ngoài gia nhập thị trường NH bán lẻ đã không ngừng mở rộng mạng lưới, ứng dụng các dịch vụ hiện đại và cạnh tranh trực tiếp với NH trong nước. Hiện nay, sự phối hợp giữa các NH thương mại trong việc triển khai các dịch vụ NH mới còn kém, mỗi hệ thống NH phát triển một chiến lược hiện đại hóa khác nhau và ít có sự gắn kết.
Chẳng hạn, hoạt động thanh toán thẻ, máy POS, ATM… hiệu quả chưa cao, còn lãng phí vốn và thời gian. Nếu các NH thương mại liên kết với nhau sẽ tận dụng được cơ sở hạ tầng, tiết kiệm đầu tư, phát triển các dịch vụ thế mạnh riêng của từng NH.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, nhận định cạnh tranh về dịch vụ tài chính ở nước ta sẽ ngày càng khốc liệt khi có thêm nhiều tổ chức phi tài chính tham gia lĩnh vực này. Sau năm 2015, thị trường bán lẻ sẽ là thị trường chủ đạo mà các NH nước ngoài khai thác mạnh sau khi đã đặt chân vững chắc vào Việt Nam.
Vì vậy, các NH trong nước nên chú trọng thị trường cũ và quan tâm thực sự tới thị trường mới trong bối cảnh cạnh tranh mạnh với NH nước ngoài. Đã đến lúc các NH thương mại Việt Nam không thể đứng yên để tận hưởng lợi thế sân nhà mà cần xác định phát triển dịch vụ NH bán lẻ là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển của mình.
LINH ANH – NLĐ
Bình luận (0)