Theo nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y khoa The Lancet ngày 28/7, một trong số gần 3.000 người hiến máu tại Anh bị nhiễm virus viêm gan E (HEV), có thể dẫn tới các bệnh về gan.
Kết quả nghiên cứu này được đưa ra nhân Ngày thế giới chống bệnh viêm gan 28/7, khiến dư luận cho rằng cần phải tiến hành kiểm tra kỹ lượng đối với những người hiến máu.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: belfasttelegraph.co.uk)
Nhóm chuyên gia thuộc Cơ quan Y tế công cộng của Anh, do nhà khoa học Richard Tedder đứng đầu, đã tiến hành phân tích theo hệ thống các mẫu máu hiến tặng.
Kết quả cho thấy trong số 225.000 mẫu máu hiến, có 79 mẫu nhiễm virus viêm gan kiểu di truyền 3, dạng phổ biến nhất ở các nước phát triển.
Virus này có thể lây sang người từ lợn nhiễm virus viêm gan, máu nhiễm virus viêm gan và nước uống. Trong đó, các xét nghiệm ghi nhận HEV xuất hiện ở 18 trong số 43 trường hợp nhận máu, một trường hợp phát triển thành viêm gan dạng nhẹ sau đó.
Ông Tedder cho hay lây nhiễm HEV kiểu di truyền 3 đang lan rộng tại Anh, bao gồm cả lây nhiễm từ người hiến máu.
Trong thời gian nghiên cứu, ước tính có từ 80.000-100.000 ca nhiễm HEV ở người tại Anh. Trước đó, tình trạng tương tự đã được công bố ở Thụy Điển và Đức, cho thấy virus này đang lan rộng ở lục địa châu Âu.
Theo ông Jean-Michel Pawlotsky, thuộc bệnh viện Henri Mondor ở Paris (Pháp), kết quả nghiên cứu trên cho thấy nhu cầu cần thiết hiện nay là tiến hành kiểm tra hệ thống các thành phần máu đối với những người có dấu hiệu nhiễm HEV ở những khu vực virus này đang lây lan, bao gồm Liên minh châu Âu (EU).
Phần lớn người nhiễm HEV hồi phục sau các triệu chứng như mất cảm giác ngon miệng, sốt… mà không cần điều trị. Tuy nhiên, virus này có thể trở nên nguy hiểm đối với những người hệ thống miễn dịch suy yếu, như bệnh nhân ung thư, người phẫu thuật ghép tạng và phụ nữ mang thai.
Bệnh viêm gan, do năm loại virus A, B, C, D và E gây bệnh, có tốc độ lây nhiễm cao gấp 50-100 lần virus HIV.
Các loại vắcxin hiệu quả đã được phát triển để chống các virus A, B, D. Vắcxin chống virus E đã được phát triển nhưng chưa phổ biến rộng rãi, trong khi chưa có vắcxin chống virus viêm gan C, với khoảng 150 triệu người trên thế giới bị nhiễm./.
(TTXVN/Vietnam+)
Bình luận (0)