So với cuối tháng 2 năm nay, giá mỗi đôla trên thị trường tự do hiện nay đã giảm gần 2.000 đồng, giá đôla trong ngân hàng thương mại giảm hơn 1.000 đồng. Giá đôla giảm đang tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng nhập.
Tại sạp đường ở chợ Xóm Chiếu, quận 4, bà Minh cầm trên tay hai gói đường loại 1kg, loại không thương hiệu giá 17.000 đồng, còn loại có thương hiệu của một nhà máy đường trong nước giá 23.000 đồng. Chưa biết chọn loại nào, bà Minh được người bán giải thích: loại giá rẻ là hàng nhập lậu, giá mua ở biên giới An Giang cũng khá rẻ. Giá đường trắng tại sàn giao dịch London hiện nay chỉ còn 592,7 USD/tấn, cộng cả thuế, cước vận chuyển thì về đến cảng chưa tới 15.000 đồng/kg, còn giá đường trong nước là 24.000 – 25.000 đồng/kg. Với giá đôla tự do ở mức thấp, chênh lệch giá đường nội và ngoại càng cao, thì đường lậu sẽ tiếp tục tràn về.
Với tỷ giá hiện tại, đường nhập khẩu về đến cảng, cộng cả thuế, cước vận chuyển, giá cũng chưa tới 15.000 đồng/kg.
Hàng nhập được lợi
Ở siêu thị, hộp bánh cookies bơ sữa hàng nội giá 57.000 đồng, hàng nhập chỉ còn 62.000 đồng với khẩu vị khác hẳn và mẫu mã sang hơn. Dầu gội mượt tóc, dưỡng tóc chẻ ngọn sản xuất ở Việt Nam giá 61.800 đồng/chai, hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc với thành phần thiên nhiên giá 65.000 đồng.
Bà Thuận, chủ doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối thực phẩm chế biến tại quận 1 cho biết: so với hai tháng trước, giá bán sỉ đã giảm khoảng 3 – 5% tuỳ mặt hàng. Bà Thuận giải thích thêm, các công ty nhập hàng có thể mua đôla giá niêm yết của ngân hàng khá dễ dàng, nhưng đa phần đều chọn mua đôla trên thị trường tự do giá thấp hơn ngân hàng để trả cho nước ngoài. Khảo sát giá trên thị trường, các loại trái cây nhập khẩu đều đã giảm giá từ 3.000 – 10.000 đồng/kg. Bánh, kẹo, sôcôla hộp giảm giá khoảng 5.000 đồng/sản phẩm.
Đang có sự vênh nhau khá lớn giữa giá hàng nhập và hàng nội khi giá đôla Mỹ hạ nhiệt. Tính trong bốn tháng đầu năm 2011, giá cả các mặt hàng tiêu dùng từ thực phẩm, nước giải khát, đồ dùng gia đình đến hàng may mặc, hoá mỹ phẩm… đều đã tăng giá từ 5 – 25% dưới áp lực tỷ giá (vào tháng 2.2011), xăng dầu, điện, gas, lương công nhân… Đến thời điểm này, chỉ có yếu tố tỷ giá đã hạ nhiệt, còn các yếu tố khác vẫn trong xu hướng tăng lên, nên hàng nhập khẩu đang có được lợi thế tốt hơn khi khoảng cách chênh lệch giá đang có chiều hướng thu hẹp so với hàng sản xuất trong nước.
Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc công ty Bibica cho rằng: tỷ giá cộng với ảnh hưởng của sức mua giảm đã buộc các nhà nhập khẩu phải giảm giá nhiều mặt hàng vì sợ bán chậm hết hạn sử dụng. Hiện nay hàng ngoại đã thu hẹp khoảng cách chênh lệch hơn 20% xuống còn mức trên dưới 10% so với hàng nội. Vì vậy hàng nội không thể chỉ cạnh tranh bằng giá, mà phải tính đến các yếu tố khác như khẩu vị, mẫu mã, nhu cầu tiêu thụ từng mùa để giữ khách hàng.
Cửa hàng nhỏ linh động giảm giá
Nhóm hàng công nghệ thông tin, điện thoại di động… được định giá trên thị trường trên cơ sở tỷ giá ngoại tệ, chủ yếu là đồng đôla Mỹ. Gần cả tháng nay, tỷ giá liên tục xuống nhưng trên quầy của các siêu thị điện máy, công nghệ thông tin… giá của các mặt hàng, từ hàng linh kiện cho đến hàng thành phẩm, giá vẫn như hồi tỷ giá ở mức cao trên 22.000 đồng/USD. Đại diện kinh doanh của một nhà phân phối hàng máy tính xách tay tại TP.HCM cho biết: dù tỷ giá đã giảm xuống nhưng mức giá mà nhà phân phối đưa hàng xuống các đại lý vẫn như hồi tháng 4. “Chúng tôi chưa thể giảm theo tỷ giá hiện thời vì những lô hàng đang bán trên thị trường được nhập từ hồi cuối năm, sớm nhất là từ tháng 2. Hiện nay, lượng hàng tồn còn nhiều, chưa nhập hàng theo tỷ giá mới nên chưa thể hạ giá bán”, đại diện nhà phân phối này cho biết thêm.
Tại các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Maximark, Citimart… không có nhà cung cấp hàng nào tự động điều chỉnh giá theo tỷ giá đang giảm. Bà Bùi Thị Hạnh Thu, phó tổng giám đốc hệ thống Co.opmart cho biết, siêu thị cũng không thể ép được nhà cung cấp giảm giá trước các lý do như giá vận chuyển, chi phí kinh doanh, lương nhân viên, chi phí bao bì… đang tăng. Ở một số siêu thị, nhà cung cấp sản phẩm nhập chấp nhận áp dụng các khuyến mãi giảm giá lên đến 25 – 30% (nước trái cây, thực phẩm đóng gói, dầu gội sữa tắm…) hoặc tặng kèm sản phẩm có trị giá khoảng 20 – 30% món hàng chính.
Theo ông Nguyễn Đức Hưng, giám đốc kinh doanh của nhà phân phối BrightStar Việt Nam, khi tỷ giá lên hay xuống, khoảng thời gian để điều chỉnh giá phải mất ít nhất là hai tháng vì thời gian nhập hàng, bán hàng cho mỗi lô hàng.
Trong khi đó, ở các cửa hàng nhỏ nhập hàng xách tay chỉ mất từ 2 – 3 tuần để điều chỉnh giá. Ông Ân, phụ trách Ân Mobile (Bình Thạnh, TP.HCM) giải thích: “Các cửa hàng nhỏ không bị ràng buộc với các đối tác nên họ linh động trong việc báo giá sản phẩm. Nếu khi nhập hàng với giá thấp thì khi hàng về tới cửa hàng, sẽ báo giá thấp”.
Theo SGTT
Bình luận (0)