Hội nhậpThế giới 24h

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần thứ nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 4/8, tại thủ đô Washington đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần thứ nhất. Đây là cuộc gặp lớn chưa từng có giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với nguyên thủ các nước châu Phi tại thủ đô Washington.

Cuộc gặp được tổ chức trong bối cảnh an ninh được siết chặt với nhiều tuyến phố bị đóng cửa và các lực lượng thực thi luật pháp có mặt ở hầu hết những vị trí xung yếu của Washington.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của giới chức Nhà Trắng cho biết Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi sẽ kéo dài trong ba ngày với sự tham gia của gần 50 nguyên thủ các quốc gia châu Phi.

Có bốn quốc gia không được mời tham dự cuộc gặp lần này là Zimbabwe, Sudan, Eritrea và Cộng hòa Trung Phi. Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf và Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma được mời nhưng không tham dự do phải ở lại trong nước để xử lý dịch Ebola bùng phát.

Chương trình nghị sự trong ba ngày hội nghị sẽ tập trung thảo luận các vấn đề nổi cộm mà các quốc gia châu Phi đang phải đối mặt gồm phát triển kinh tế, đầu tư, giải quyết tình trạng nghèo đói, bệnh tật và chống khủng bố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có này phản ánh quyết tâm của Mỹ và châu Phi cùng nỗ lực tăng cường các quan hệ đối tác, tìm kiếm các cơ hội cho thương mại, hòa bình, an ninh và phát triển kinh tế.

Ông Kerry kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Phi phát triển các nền kinh tế thị trường tự do, tạo ra các sân chơi bình đẳng cho các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty của Mỹ.

Cuộc gặp được tổ chức trên cơ sở những tiến bộ trong quan hệ Mỹ-châu Phi kể từ chuyến công du kéo dài một tuần tới châu lục này hồi tháng 6/2013 của Tổng thống Obama.

Chính quyền Barack Obama hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên này sẽ là cơ hội để thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế, tăng cường can dự và củng cố quan hệ an ninh với một châu lục mà nhiều nước lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã và đang thực hiện.

Trong một phát biểu ngày 1/8, Tổng thống Barack Obama đánh giá châu Phi, một châu lục có những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và một tầng lớp trung lưu ngày càng đông, đang ngày càng trở nên quan trọng đối với Mỹ. Mở rộng quan hệ với châu Phi là nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ.

Trước cuộc gặp, Ngoại trưởng Kenya Amina Mohamed nhận định các mối quan hệ của châu Phi với các nước giờ đây không chỉ tập trung vào viện trợ hoặc hỗ trợ nhân đạo mà đã và đang được mở rộng để bao gồm cả phát triển kinh tế, thậm chí có thể phát triển thành quan hệ đối tác. Châu Phi đã và đang là điểm đến hấp dẫn, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá châu Phi hiện có tốc độ phát triển nhanh hơn châu Á. Hiện tại châu lục này có 6 trong số 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhiều chuyên gia hy vọng trong tương lai châu Phi sẽ thoát khỏi hình ảnh một châu lục bị chiến tranh tàn phá, nơi từ trước tới nay các mối quan hệ đối ngoại hầu hết chỉ tập trung vào các hình thức viện trợ.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Phi sau EU và Trung Quốc. Tổng kim ngạch buôn bán hai chiều Mỹ-châu Phi năm ngoái chỉ đạt 60 tỷ USD so với hơn 200 tỷ của EU và 170 tỷ của Trung Quốc. Theo kế hoạch, tại cuộc gặp lần này, phía Mỹ sẽ thông báo khoản tài trợ nhiều tỷ USD cho chương trình Điện lực châu Phi.

Ngày 29/7, chính quyền Obama cũng đã hối thúc Quốc hội gia hạn Luật cơ hội tăng trưởng châu Phi (AGOA) trước thời điểm hết hạn vào tháng 9/2015 nhằm tạo điều kiện cho chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại với châu Phi.

Trước đó, ngày 28/7, phát biểu tại cuộc gặp với 500 thanh niên châu Phi hoàn tất khóa tu nghiệp sáu tuần về năng lực lãnh đạo tại Mỹ, Tổng thống Obama cho rằng sự hỗ trợ của các nước phát triển cho châu Phi vẫn là quan trọng, nhưng đã tới lúc bản thân các nước châu Phi hãy tự mình xem xét lại chính sách để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn kinh tế, thay vì tiếp tục đổ lỗi cho hậu quả của thời kỳ thực dân phương Tây.

Lời kêu gọi này của ông Obama được đưa ra là nhằm phản bác quan điểm mà Tổng thống Guinea Xích đạo Teodoro Obiang Nguema đưa ra hồi tháng trước tại hội nghị thượng đỉnh 54 quốc gia thuộc Liên minh châu Phi cho rằng sự thống trị của chủ nghĩa thực dân mới phương Tây, trong đó có việc áp đặt tỷ giá hối đoái và giá nguyên liệu thấp cùng với các rào cản thương mại, làm cản trở sự phát triển của châu Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)