“Thu ngân sách đạt kế hoạch cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ đầu năm đến 15.8, tổng thu đạt 313,5 nghìn tỉ đồng, bằng 67,9% dự toán năm. Tăng trưởng GDP cả năm khả năng đạt trên 6,7%…”
Đó là thông báo của Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp báo kết thúc phiên họp thường kỳ của Chính phủ trong hai ngày 30-31.8 vừa qua.
Các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc thì trong phiên họp 2 ngày qua, Chính phủ đã thảo luận đưa ra một số nội dung lớn về kế hoạch phát triển kinh tế đất nước giai đoạn năm 2011-2015. Chính phủ cũng nghe báo cáo về triển khai kế hoạch về hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và việc xây dựng các dự án luật. Bộ trưởng cũng cho biết, tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2009; nhập siêu tiếp tục có xu hướng giảm; chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,23% so với tháng trước… Mặc dù chịu ảnh hưởng của bão lũ, song nhờ sự phối hợp, nỗ lực phối hợp giữa các ngành và địa phương nên nông nghiệp vẫn phát triển khá ổn định, dịch bệnh được kiểm soát và đẩy lùi; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống người dân ngày càng được cải thiện; an ninh trật tự được giữ vững…
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị các thành viên Chính phủ rà soát lại những chỉ tiêu đã đề ra, tập trung chỉ đạo quyết liệt để đạt kết quả cao hơn. Đối với những chỉ tiêu chưa đạt, cần làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Về những chỉ tiêu cụ thể, trên cơ sở cân nhắc dự báo tình hình kinh tế thế giới, Thủ tướng đề xuất Chính phủ lấy mốc tăng trưởng kinh tế khoảng 7,5% làm mục tiêu phấn đấu trong năm 2011; chỉ số giá bình quân – so với tháng 12 năm trước – giữ ở mức khoảng 7%, nhập siêu dưới 18%. Thủ tướng chỉ đạo, đối với nhóm các chỉ tiêu về an sinh xã hội, cần coi trọng đào tạo nghề, cụ thể hóa theo từng bậc đào tạo: Trung cấp, cao đẳng; coi đây là chỉ số quan trọng để làm cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.
Chưa có kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc
Một vấn đề được dư luận quan tâm nhiều trong thời gian qua là việc Chính phủ khởi động lại việc nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT). Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: “Dự án ĐSCT trình ra tại kỳ họp QH vừa qua và chưa được QH thông qua chủ trương đầu tư xây dựng, nên Chính phủ chưa có kế hoạch và hành động nào. Tuy nhiên, Chính phủ thấy rằng việc xây dựng thêm một tuyến đường sắt mới cho đất nước trong tương lai là cần thiết nên chủ trương tiếp tục nghiên cứu dự án này để có nhiều thông tin, nhiều kiến thức về ĐSCT”.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng khẳng định, kinh phí dành cho việc nghiên cứu dự án ĐSCT là hoàn toàn do phía Nhật Bản tài trợ không hoàn lại, không lấy vào ngân sách nhà nước và không hề có bất kỳ một ràng buộc nào về việc xây dựng hay không xây dựng… Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng khẳng định, việc nghiên cứu này phải mất ít nhất từ 3-4 năm mới hoàn thành và Chính phủ cũng không có dự định vào thời gian nào sẽ trình xin ý kiến của Quốc hội.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí về lý do đình chỉ chức vụ của ông Trần Quang Vũ – TGĐ Vinashin và ông Trần Văn Liêm – Trưởng ban Kiểm soát Vinashin, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Việc Thủ tướng đình chỉ chức vụ hai ông này là theo đề nghị của cơ quan điều tra, vì quá trình điều tra tại tập đoàn này, cơ quan điều tra đã phát hiện dấu hiệu vi phạm của 2 ông. Về việc tái cơ cấu Vinashin, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là trả lương, bảo hiểm đầy đủ cho CBCNV để giữ NLĐ, đồng thời dãn nợ, tiếp tục cho vay đối với những dự án có hiệu quả để tự thân Vinashin có thể vượt qua khó khăn.
Về vấn đề tranh cãi giữa Bộ Xây dựng và UBND TP.Hà Nội trong việc nên hay không nên xây dựng con đường nối hồ Tây với Ba Vì, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đó là ý kiến riêng của các bộ và các cơ quan chuyên môn, Chính phủ rất hoan nghênh và lắng nghe những ý kiến đóng góp của tất cả mọi cơ quan và người dân để có thể đưa ra quyết định sáng suốt nhất.
Chí Tùng / Lao Dong
Bình luận (0)