Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hà Nội: “chợ tiền lẻ” tung hoành

Tạp Chí Giáo Dục

Tết cận kề, nhu cầu dùng tiền lẻ để lì xì, đi lễ chùa tăng vọt, trong lúc các ngân hàng cũng hiếm tiền lẻ thì ngoài thị trường chợ đen dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn tấp nập. Số lượng muốn bao nhiêu cũng có, còn giá cả bị “hét”… trên trời.

Một quầy đổi tiền lẻ ở “chợ tiền lẻ" đường Quang Trung, Hà Đông
Muốn bao nhiêu cũng có
Một buổi sáng đầu tháng chạp, trong vai người đi đổi tiền lẻ giùm mấy người bạn cùng công ty, chúng tôi chạy xe rề rề dọc đường Quang Trung đoạn trước cửa Bưu điện Hà Đông – nơi được mệnh danh là “chợ tiền lẻ” lớn nhất khu Hà Đông.
“Đổi tiền hả em? Vào đây? Đổi bao nhiêu?” – vừa tấp vào lề, một phụ nữ đã nhào ra chặn trước xe chào hàng – “Loại 10.000 đồng 10 ăn 8, loại 5.000 đồng 10 ăn 7; 2.000 đồng 10 ăn 6,5. Loại 500 đồng đắt nhất, 1 triệu mất 400. Chú lấy nhiều thì chị bớt phần trăm cho. Muốn đổi bao nhiêu cũng có” – người phụ nữ tên T. này đon đả. Bà T. thậm thụt: “Từ chục triệu trở lên theo chị vào nhà, có máy đếm tiền đàng hoàng”.
Bỏ qua hàng bà T. theo lời mách của người đàn ông bơm xe đạp ở vườn hoa Hà Đông, chúng tôi đi xuôi theo hướng Ba La tìm đường tới khu “chợ tiền lẻ” thứ hai của Hà Đông – khu vực đường La Khê, Yết Kiêu, Bà Triệu. Không tấp nập như khu “chợ tiền lẻ" Quang Trung, nhưng hoạt động đổi tiền lẻ ở đây vẫn khá nhộn nhịp. Tại di tích lịch sử đến Bia Bà (La Khê) thường xuyên có các quầy đổi tiền lẻ phục vụ khách viếng đền. Theo một chủ quán nước trước cổng đền, những ngày cận tết số quầy đổi tiền lẻ ở đây có lúc lên tới vài chục.
“Cò” tiền lẻ khắp nơi
Không chỉ có các cửa hàng bày bán, hiện nay nhiều trang quảng cáo, rao vặt, diễn đàn mạng như:… www.rao….vn, www.vat…vn, www.hanoicity.jao…com… nhan nhản những lời mời chào đổi tiền với cam kết “giá rẻ, uy tín, chất lượng".
Thậm chí chúng tôi còn tình cờ chứng kiến cuộc giao dịch đổi tiền lẻ tại một quán cà phê ở quận Thanh Xuân, chủ hàng là T. mang 6 cọc tiền với các mệnh giá 500, 1.000, 5.000, 10.000 đồng trao đổi với khách ngay tại quán. Chúng tôi lân la hỏi về nguồn gốc tiền, T. không trả lời mà chỉ cười bí hiểm.

Rời Hà Đông, chúng tôi tiếp tục tìm tới khu vực phủ Tây Hồ, hoạt động đổi tiền lẻ ở đây khá nhộn nhịp. Từ lối vào phủ kéo dài đến tận phía trong khuôn viên phủ bắt đầu xuất hiện những quầy đổi tiền lẻ, kiêm luôn dịch vụ bán đồ lễ vàng mã.

Ngoài ra rải rác tại các phố Chùa Hà, Thái Thịnh nhiều cửa hàng cầm đồ, bán trang sức cũng trưng biển đổi tiền lẻ. Khu vực phố Đinh Lễ, đường Đinh Tiên Hoàng, trước Bưu điện Hà Nội, hoạt động đổi tiền lẻ năm nay tuy trầm lắng hơn các năm trước song khách có nhu cầu vẫn có thể đổi tiền một cách dễ dàng. Người đổi tiền ở đây thường “cải trang” dưới vai người bán nước, trông xe…
Giá trên trời…
“Đổi thì đổi luôn khỏi mất công, đi hàng nào ở đây cũng chỉ có giá đấy thôi. Để thêm vài ngày nữa thì giá còn tăng lên nữa” -bà T. cằn nhằn sau khi chúng tôi kiếm lý do chê đắt bỏ đi.
N. – một “cò” tiền lẻ ở vườn hoa Hà Đông – không ngần ngại tiết lộ các chủ hàng ở “chợ tiền lẻ” Quang Trung từ lâu đã ngấm ngầm liên kết làm giá với nhau, không có hàng nào dám đứng ra phá giá, vì vậy khách hàng phải cắn răng chịu cảnh “chặt chém” mà không có lựa chọn nào khác.
Thống kê tỉ lệ quy đổi tại các điểm đổi tiền nói trên, với mỗi cọc tiền lẻ, khách hàng phải chịu “rút ruột” trích lại cho chủ hàng từ 20-45% số tiền của mình. Theo lời của một chủ hàng, giá như thế vẫn còn “bình dân”, càng ngày cận tết giá đổi tiền tăng lên chóng mặt theo ngày, thậm chí giá buối sáng và buổi chiều đã chênh nhau, các chủ hàng căn vào lượng khách để đẩy giá giao dịch lên.
Những lúc khan hiếm “hàng”, người tiêu dùng phải bấm bụng chấp nhận khấu trừ 30-50% để đổi lấy tiền lẻ. Thậm chí có lúc còn phải “méo mặt” cầm cọc tiền có tới gần một nửa là tiền đã qua sử dụng hay bị kẻ gian nhanh tay rút lõi một ít mà không hay biết.
Một “cò” tiền lẻ giao dịch tại quán cà phê
Chị Hương (ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) cho hay năm ngoái chị phải cười…  chấp nhận bị “chém đẹp” mất 1 triệu đồng cho 5 triệu tiền lẻ, năm nay chị phải tiếp tục đi đổi để dịp tết về quê mừng tuổi người thân. “Biết là đắt nhưng vẫn phải đành bấm bụng đổi vì cuối năm công việc chồng chất không có thời gian rảnh để chạy đi chạy lại” – chị phân trần.
Khi chúng tôi tìm cách dò hỏi nguồn gốc nguồn tiền, hầu hết chủ hàng đều đáp trả bằng ánh mắt dò xét và lời từ chối tế nhị. Tuy nhiên theo một chủ hàng “bật mí”, các "đầu nậu" thường đổi ở ngân hàng cách trước đó mấy tháng, mang về ém hàng chờ đến thời điểm sốt giá thì tung ra kiếm lời. Một số người có quan hệ với cửa đền, chùa nên gom được tiền lẻ ở đây, số khác có mối tuồn từ các ngân hàng ra…
Với dịch vụ này nhiều chủ hàng trúng đậm, bỏ túi cả trăm triệu đồng chỉ vài ngày giáp tết.
LÂM HOÀI /TTO

Bình luận (0)