Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Đầu tư du lịch chuyển về miền Đông

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều tỉnh miền Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai… triển khai trên 40 dự án du lịch nhằm cạnh tranh với các điểm đến truyền thống TP.HCM, Vũng Tàu.
Hiện có 47 dự án đầu tư về du lịch rải rác khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Theo các doanh nghiệp lữ hành, với đà phát triển như hiện nay, chắc chắn sẽ có sự thay đổi điểm đến của du khách ở khu vực này thay cho điểm đến truyền thống là TP.HCM hay Vũng Tàu.
Hút đầu tư du lịch
Ngoại trừ TP.HCM và Vũng Tàu chỉ có bốn dự án mới, mỗi tỉnh còn lại đều thu hút được trên dưới 10 dự án. Điều này cho thấy nhà đầu tư bắt đầu hướng đến các địa phương mới để thu hút du khách.
Đơn cử tại Tây Ninh, theo Sở VH-TT&DL, hiện tỉnh đang đầu tư phát triển gần 10 dự án du lịch. Trong đó, nổi bật có dự án phát triển du lịch tại hồ Dầu Tiếng với diện tích lên đến 27.000 ha. Ngoài ra, Tây Ninh còn phát triển các khu vực quần thể di tích lịch sử cách mạng miền Nam, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, cửa khẩu Xa Mát. Đặc biệt sẽ kết hợp khai thác du lịch tâm linh lễ hội của núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao cao cấp, giải trí cuối tuần…

Núi Bà Đen là một trong những điểm du lịch được nhiều du khách biết đến ở Tây Ninh. Ảnh: VyVy
Đồng Nai được xem là một tỉnh khá mạnh khi công bố có 14 dự án đầu tư về du lịch. Trong đó, lớn nhất là dự án du lịch sinh thái Đại Phước có diện tích 130 ha và vốn đầu tư 2.600 tỉ đồng. Hiện tỉnh này đang thực hiện các dự án về du lịch như khu du lịch sinh thái và nhà ở tại mỏ đá Bình Hòa, dự án Khu du lịch sinh thái hồ Đa Tôn, dự án nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch… Đồng thời, ngành du lịch cũng tiếp tục mời gọi đầu tư Khu du lịch Ông Kèo, Khu du lịch Cù lao ông Cồn, mở rộng dự án Khu du lịch Bửu Long… để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài ra còn hàng loạt dự án có mức đầu tư lớn khác đang được triển khai ở các tỉnh như Khu du lịch nghỉ dưỡng Mắt Xanh (Bình Dương) có diện tích 100 ha, vốn đầu tư 292,5 tỉ đồng, dự án Khu du lịch Trảng Cỏ Bàu Lạch (Bình Phước) có diện tích 2.000 ha với vốn đầu tư 350 tỉ đồng. Hay dự án trùng tu tôn tạo Khu căn cứ Quân ủy Ban Chỉ huy miền (B2) Tà Thiết cũng ở Bình Phước với diện tích 3.200 ha và vốn đầu tư 994 tỉ đồng…
Đầu tư riêng nhưng phải liên kết
Mặc dù có khá nhiều dự án được công bố triển khai, thế nhưng để có thể thu hút được khách du lịch cần có thêm nhiều giải pháp đầu tư phù hợp, liên kết giữa các vùng tạo thành thế mạnh mới.
Theo TS Nguyễn Công Mỹ, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT), các tỉnh Đông Nam Bộ muốn thu hút du khách phải xây dựng được bản đặc sắc riêng của từng vùng. Ở Việt Nam không có những điểm nổi bật như Angko (Campuchia) nên các doanh nghiệp muốn thành công cần tập trung khai thác vào thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên, đây cũng là thế mạnh của du lịch trong nước.
Còn theo TS Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, nên tạo các sản phẩm liên hoàn. Mỗi địa phương, mỗi khu du lịch, điểm du lịch có sản phẩm đặc trưng riêng được kết nối trong chuỗi giá trị cung ứng du lịch của vùng, đảm bảo bổ sung cho nhau. Những yếu tố tương đồng về sản phẩm du lịch được thiết kế có khả năng thay thế nhau, những yếu tố khác biệt về sản phẩm du lịch được thiết kế bổ sung cho nhau.
Ông Bùi Thanh Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Vietnam Destination, cho biết hiện nay có thể các tỉnh miền Đông Nam Bộ không có thế mạnh về du lịch như Nha Trang, Đà Lạt. Thế nhưng các tỉnh này, đơn cử như Tây Ninh có khá nhiều nghề truyền thống hay các di tích lịch sử. Nếu biết khai thác kết hợp với các dự án về du lịch, phục vụ khách trên các chuyến hành trình, chắc chắn sẽ tạo được thế mạnh mới thu hút lượng lớn khách du lịch.
Sẽ hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư về du lịch

Bộ VH-TT&DL cho biết theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, nhu cầu đầu tư cả nước giai đoạn 2011-2020 là 850.000 tỉ đồng (tương đương 42,5 tỉ USD), trong đó vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 30%, tương đương 250.000 tỉ đồng (tương đương 12,5 tỉ USD).
Đối với toàn vùng Đông Nam Bộ, ngân sách Nhà nước trung ương hỗ trợ tham gia đầu tư trực tiếp vào các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia và đô thị du lịch. Khu du lịch quốc gia gồm: núi Bà Đen, Cần Giờ, Long Hải – Phước Hải, Côn Đảo; các điểm du lịch quốc gia gồm: Căn cứ Tà Thiết, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Cát Tiên, hồ Trị An – Mã Đà, Củ Chi và đô thị du lịch TP Vũng Tàu.
Theo BÁ HUY
(PL)

Bình luận (0)