Ngày 13/8 tại Hà Nội, thỏa thuận hợp tác thành lập khu liên hợp thép có tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD tại Hà Tĩnh đã được ký kết giữa ba bên đối tác liên doanh: Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) và Tata Steel, công ty thép lớn thứ 6 thế giới.
Đây là dự án quan trọng nằm trong chiến lược quy hoạch phát triển ngành thép của Việt Nam.
Khu liên hợp thép này sẽ được xây dựng tại Khu kinh tế Vũng áng, tỉnh Hà Tĩnh, theo ba giai đoạn với tổng vốn đầu tư hiện tại là 82.500 tỷ đồng (5 tỷ USD). Công suất ước tính của khu liên hợp thép khi hoàn thành là 4,6 triệu tấn/năm.
Theo kế hoạch, việc xây dựng sẽ được chia làm ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu (2008-2011): xây dựng nhà máy cán thép nguội với công suất 200.000 tấn/năm trên cơ sở thép cán nóng nhập khẩu với vốn đầu tư 100 triệu USD.
Giai đoạn 2 (2011-2013): xây dựng nhà máy luyện gang thép công suất 2 triệu tấn/năm để sản xuất thép dẹt và dài, vốn đầu tư 2,5 tỷ USD.
Giai đoạn 3: mở rộng nhà máy luyện gang thép cũng để sản xuất thép dẹt và dài với công suất 2,2 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 2,4 tỷ USD.
Việc ký kết thỏa thuận liên doanh này là cơ sở để thành lập công ty cổ phần với ba cổ đông chính là VNSteel, VICEM và Tata Steel. Vốn điều lệ của công ty là 825 tỷ đồng (50 triệu USD) và sẽ được điều chỉnh tăng dần theo vốn thực hiện của dự án trong đó Tata Steel sẽ nắm giữ 65% cổ phần, VNSteel giữ 30% cổ phần và VICEM giữ 5% cổ phần.
Trong khuôn khổ lễ ký kết, ông Đậu Văn Hùng, Tổng giám đốc VNSteel, cho biết: theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, nhu cầu về thép của Việt Nam dự báo đến năm 2015 là 15 -18 triệu tấn; đến 2020 là 20-22 triệu tấn. Dự án trọng điểm này dự kiến đến 2015 sẽ đạt 5 triệu tấn thép.
Như vậy, theo ông Hùng, về sản lượng, khu liên hợp này sẽ đáp ứng 30% nhu cầu thép. Về chủng loại, khu liên hợp sẽ sản xuất thép tấm chất lượng cao dùng cho công nghiệp sản xuất ôtô và máy tính, tạo giá trị gia tăng cao.
Vấn đề của mỏ Thạch Khê hiện nay là hàm lượng kẽm trong quặng lớn gây khó khăn trong quá trình xử lí dẫn đến tỉ lệ sử dụng quặng trong tổng khối lượng thấp. Khắc phục nhược điểm này, Tata Steel đã đề xuất công nghệ cho phép sử dụng 100% quặng của mỏ Thạch Khê.
Ông Muthuraman, giám đốc điều hành của Tata Steel cũng cho biết công ty sẽ dành 15% vốn cho chi phí bảo vệ môi trường. Tata Steel cũng hợp tác với VNSteel để mở trường đào tạo cơ khí luyện kim tại Hà Tĩnh. Được biết dự án này khi đạt công suất 4,6 triệu tấn sẽ sử dụng khoảng 20.000 lao động.
Theo TBKTVN
Bình luận (0)