Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Vườn trên cao nguyên Cameron

Tạp Chí Giáo Dục

Những vườn dâu trĩu trái đỏ mọng, những vườn trà (chè) trải ngút ngàn ven triền núi cùng các khu rừng phủ đầy rêu xanh đã làm nổi danh cao nguyên Cameron trong bản đồ du lịch của Malaysia.

Trà là đặc sản của Cameron và trở thành một trong những lý do để khách du lịch từ thủ đô  Kuala Lumpur vượt hơn hai trăm cây số tìm đến. Chúng tôi ghé qua vườn trà Bharat hay còn gọi là thung lũng Cameron, một trong những nơi sản xuất trà lớn nhất ở cao nguyên này. Con đường vào đồn điền trà  rẽ hai hướng: một hướng đi vào trung tâm chế biến trà trên đỉnh đồi. Ở đây, nhà máy sản xuất trà mở cửa cho khách vào xem cách làm trà. Qua một bức tường bằng kính trong suốt ngăn cách với bên trong, ta có thể thấy những công nhân đang sao trà, hay tán lá trà ra thành bột mịn. Khách thường được ông chủ  mời một tách trà nóng nghi ngút, nhấm nháp với bánh nướng  làm tại gia. Một hướng khác đi vào vườn trà nằm dọc theo con lộ chính, là nơi để người ta đi dạo và ngắm cảnh bởi sự yên bình tuyệt đối của những vườn trà rộng lớn, trong đó ẩn hiện ngôi nhà nhỏ dạng bungalow. Khách du lịch cũng có thể mang giỏ ra đây để hái trà.

Băng qua hết đồn điền trà và thung lũng, tới con đường đi vào rừng rêu xanh Gunung Brinchang. Đường đi rất cao và hẹp. Không cuốc bộ được một đoạn đường dài và dốc để dạo chơi trong rừng, khách du lịch có thể thuê xe chuyên dụng để leo lên nơi cao nhất của khu rừng. Lên đây buổi sáng sớm hay tối muộn, lúc trời nhập nhoạng, dùng ống nhòm nhìn xuyên qua các thung lũng và rừng cây phủ đầy rêu xanh, cảnh đẹp như tranh vẽ.
Sau đồn điền trà là những vườn dâu. Cameron càng nhộn nhịp với nhiều chuyến xe khách đi – đến hằng ngày khi những trái dâu chín vào mùa thu hoạch, thường từ tháng 4 đến tháng 6. Đây là thời gian khô ráo nhất trong năm, trái dâu chín ngọt nhất. Chủ vườn dâu tiếp đón khách du lịch như những người bạn phương xa đến, tha hồ cầm giỏ ra vườn hái dâu và vừa nghe chủ vườn kể về “chuyện đời” cây dâu, sau đó dùng bữa ăn nhẹ làm từ dâu: mứt dâu, bánh dâu hay nước dâu tươi.
Hết một ngày loay hoay với việc làm vườn, khách sẽ ở lại để đi chợ đêm Brinchang Pasar Malam  nằm trên đỉnh đồi, thường họp vào hai buổi tối thứ sáu và thứ bảy hằng tuần. Đặc biệt trong suốt mùa du lịch hay các ngày nghỉ nối dài, hoặc dịp  lễ hội, chợ mở suốt tuần. Giống như hầu hết các chợ đêm khác, chợ đêm Brinchang Pasar Malam là nơi khách khám phá những món ăn địa phương và những hàng hóa đặc trưng của bản xứ: áo, quần, phụ kiện, đồ lưu niệm. Chợ chia ra làm 2 khu vực: phía bên phải đối diện với cánh đồng bán thức ăn và những quầy rau. Bên trái,  đối diện với đồn cảnh sát, bán những đồ lưu niệm, cây kiểng, cửa hàng hoa và  áo quần. Có rất nhiều đồ ăn cho du khách nhón tay thử qua. Món đặc biệt là “apam balik” với nhiều đậu phộng hay “tau foo fa”, một món tráng miệng của người Hoa, chocolate với dâu tây, cơm nấm…
Thủy Linh / TNO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)