Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Hồn đảo xa

Tạp Chí Giáo Dục

Sau nỗi nôn nao náo nức khi ngắm nhìn mặt biển xanh trong với hai bờ cát trắng tuyệt đẹp dọc hai bên bãi đáp của sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo), chúng tôi rời máy bay trong cái nắng gió ngập tràn hương biển và lên xe đi vào trung tâm huyện đảo.

Ô trời, những cánh bướm màu cam đẹp quá! Chúng đang đậu chi chít trên những nhánh cây bàng đứng thành hàng dọc hai bên đường. Những cánh bướm như những điểm nhấn long lanh màu sắc trên nền của núi rừng và biển xanh Côn Đảo.
Mũi cá mập ở Côn Đảo. Ảnh: Thanh Hà
Tôi ngẩn ngơ! Sao những chiếc lá bàng này lại có cái màu cam đẹp như cánh bướm thế kia? Hay chúng đang mở hội mừng nhóm tôi ra đảo, một nhóm sáu con người ngô nghê háo hức, muốn tạm xa Sài Gòn một chút để ra đây hít một ít khí biển và cùng ngân ca bài hát về chị Sáu bên mộ chị ở nghĩa trang Hàng Dương…
Tôi ngắm hết đám bướm này đến đám bướm kia đầy ngưỡng mộ, lòng thắc mắc sao những cây bàng trong Sài Gòn chẳng thể có được những đàn bướm giống như thế này. Có cái gì đặc biệt, độc đáo và kỳ lạ ở những cây bàng ở đảo này đây mà.
Những sắc cam lung linh giờ lại làm nền cho sắc xanh dương, xanh lục và nâu xám của biển, của tán cây, của núi rừng hùng vĩ đang trải ra bao la hơn theo con đường xuống núi. Gió mát thổi tung nụ cười rạng rỡ, thổi tung ánh mắt nhìn mải mê sung sướng, thổi tung hồn thơ. Chừng ấy tâm hồn đang phơi phới theo cái đẹp nín thở của đảo xa.
Dường như chẳng còn gì là quá khứ hay tương lai, bởi cái hiện hữu đang tràn ngập xung quanh mà chẳng thứ gì chen vào nổi. Tất cả đang sống trọn trong từng giây phút của hiện tại. Hơi thở chẳng cần phải theo dõi mà tự nó nhịp nhàng đều đặn và lâng lâng. Con đường uốn lượn như một làn sương khói, lãng đãng thổi vào lòng người một niềm hạnh phúc chảy trôi.
Hàng cây bàng cổ thụ ở thị trấn huyện Côn Đảo.
Cảm giác bình an, hạnh phúc hiển hiện trong tim của mỗi người chúng tôi trong suốt bốn ngày ở đảo. Khi thì tan đi trong làn nước trong vắt mát rượi của biển, khi thì lồng lộng trong hơi thở của núi rừng, khi thì nhè nhẹ thơm thoảng với lá và hoa. Ngay cả giữa cái bí hiểm, rờn rợn trong không khí tâm linh của những dãy nhà tù hay những dải đất nghĩa trang cũng chẳng khiến chúng tôi sợ hãi, mà chính nó còn làm cái yêu thương chớm nở cho miền đất này nằng nặng hơn.
Vài giọt nước mắt len lén lăn chảy theo câu chuyện kể của cô hướng dẫn về đời sống tù ngục, về sự bất khuất, về sự thành thánh của những con người mà tôi nghĩ trái tim của họ chắc phải bằng ngọc rất sáng, về cái nghĩa của người vợ với chồng, về những tâm hồn cao thượng. Nỗi e ngại bàng bạc về ma cỏ mà lắm người ở đất liền thêu dệt đã bốc hơi đâu mất. Chỉ còn lắng đọng cái thổn thức của tình thương và sự cao quý trong những câu chuyện lịch sử nơi đây.
Có lẽ, từ hơi ấm của tình thương và sự hy sinh vì người khác đó mà người dân huyện đảo (khoảng hơn sáu ngàn người) lớn lên với sự trong sáng, tự nhiên như cây cỏ. Chúng tôi hay tròn mắt nhìn nhau khi được người dân khuyên là nên để xe máy bên vệ đường rồi "lặn" sâu vào rừng mà chơi. Hay khi tối đến trả xe cho bà chủ nhà khách thì được dặn là cứ để nguyên chìa khóa trên xe và dựng ở ngoài sân trong khi cổng luôn mở 24/24.
Và hiếm thấy hơn nữa là lúc dừng lại uống nước gần đầu chợ Côn Đảo, ngồi nửa tiếng đồng hồ trước cửa một tiệm vàng khá lớn mà vắng ngắt bóng dáng người trông coi, chúng tôi đem thắc mắc hỏi chú xe ôm ngồi ngay đó thì nhận được nụ cười tươi và lời giải thích rằng trên đảo chẳng ai thèm trộm cướp đâu mà lo. Tôi bỗng chột dạ. Kiểu này mà ở Sài Gòn thì…
Người dân ở đây quả chẳng biết gì đến lừa lọc, trộm cắp, tranh quyền, bởi vì lừa lọc ai, trộm của ai và tranh với ai bây giờ? Ở đây chỉ có biển cả, núi rừng, cây cỏ và muông thú (chim cò, sóc, khỉ, rùa, vích…). Vậy là, chỉ có thiên nhiên! Mà, thiên nhiên thì không biết kinh doanh, cho nên là một điểm đến du lịch nhưng du khách cứ thế thoải mái… tự phục vụ mình là chính, chớ nên quá trông cậy vào câu “khách hàng là thượng đế” mặc dù người dân ở đây ai cũng thừa lòng hiếu khách.
Bãi Đầm Trầu, Côn Đảo.
Côn Đảo về đêm mới bình yên làm sao! Những con đường dài rộng mà chẳng mấy bóng xe. Khách xa đến đây tha hồ thong dong tản bộ. Rảo bước sau bữa ăn tối toàn hải sản, ngắm nghía hết sao trời lại đến hàng cây thẳng tắp làm con lươn cho lòng đường, tôi giật mình trước những thân bàng to khỏe đồ sộ bằng hơn hai người ôm, vững chãi nối nhau bằng những cành nhánh sum suê. Dáng vẻ hùng vĩ, tráng kiện lạ thường của những cây bàng ở đây lôi kéo cảm giác nửa thán phục nửa nao nao, hệt như đang tận mắt nhìn thấy những nhân chứng sống của lịch sử. Tôi đoán mỗi vị này cũng phải hơn trăm tuổi, bởi thân cây gồ ghề nhiều đường nét, nhiều góc cạnh, có những gốc cây rõ ràng đã bị xén bớt vào một chút để đừng tràn lấn ra lòng đường.
Chưa bao giờ tôi nhìn thấy những cây bàng cổ thụ như thế. Cây bàng ở đây không chỉ cho bóng mát, mà còn cho người dân xứ này món “hạt bàng” ăn bùi và ngon. Đa số trong chúng tôi đều mua vài hũ hạt bàng về làm quà, vì nó lạ. Người bán nói cây bàng thì có đầy khắp nước, nhưng món hạt bàng thì chỉ có thể mua được ở Côn Đảo. Giá của món đặc sản này tương đối cao, bởi công sức bỏ ra lượm lặt, tách từng hạt bàng nhỏ bằng một phần ba đốt ngón tay.
Những ngày với nắng gió, biển cả, núi rừng trôi nhanh, nhẹ như những thoảng mây, khiến cả đám chúng tôi cứ ngẩn ngơ thèm tiếc. Biết làm sao để níu giữ, đành chụm đầu bàn tính kế hoạch cho… một lần sau nào đó, sẽ sắp xếp đi như vầy, như vầy.
Với riêng tôi, Côn Đảo gây ấn tượng rất đặc biệt, xa rồi sẽ nhớ lắm cái bao la trong lành và yêu thương. Đã lâu lắm tôi mới tìm lại được cảm giác lãng mạn say đắm với thiên nhiên như thế.
Theo TBKTSG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)