Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Động Hua Mạ: Vẻ đẹp từ nhũ đá

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm cách hồ Ba Bể khoảng 6 km về phía Nam có một sơn động nổi tiếng, đó là động Hua Mạ hay còn gọi là “Động Treo”.

Được gọi là Động Treo bởi hang động này nằm ở lưng chừng núi có độ cao so với mặt nước biển là 350m, có chiều dài hơn 700m, trần động có chỗ rộng và cao tới 40 – 50m, động có cửa vào ở phía Đông và thông ra ở phía Nam.
Thời gian gần đây động Hua Mạ đã được đưa vào khai thác và là một điểm đến của du khách bởi những nhũ đá tuyệt đẹp của hang động này nhưng bên cạnh đó hang động này còn gắn với sự tích huyền bí.
Người xưa đặt tên và ghi nhận sự kỳ vỹ của sơn động bằng dòng chữ cổ ngay trên vách đá bên trái “Hua Mạ kỳ quan đệ nhất động”. Bên phải cửa chính đã bị lấp kín bằng các viên đá xếp chèn lên nhau. Việc lấp cửa động Hua Mạ còn đang là một bí mật và có nhiều cách lý giải khác nhau…Song theo người dân nơi đây thì động Hua Mạ từ lâu đã được gắn liền với một truyền thuyết dân gian…
 Trần Động Treo được tạo hình ngẫu nhiên từ các nhũ đá.

 Đường lên cửa động Hua Mạ

 Các nhũ đá kỳ dị
Truyện kể rằng ở khu vực “Lèo Pèn” tiếng dân tộc có nghĩa là “Rừng Ma” nơi ma quỷ ngự trị. Tại lưng núi có một sơn động lạ. Ngày ngày, cứ buổi chiều tà, tiếng kêu hú từ phía động vọng ra gây chấn động cả một vùng cho đến tận đêm khuya, dân chúng trong vùng không ai dám đi lại trong thời điểm đó.
Ngày đó có một vị tướng triều đình đi tuần thú qua đây, khi đến bờ sông Lèng thì trời đã gần tối. Đoàn người ngựa định sang bản bên để nghỉ lại, nhưng lạ thay khi qua sông, cứ xuống đến nước ngựa lại quay đầu trở lại, hí vang như báo hiệu một điều gì đó. Cùng lúc đó từ phía “Lèo Pèn”, tiếng hú, tiếng oan vọng ra. Thấy sự việc lạ, quan quân cho gọi dân làng đến hỏi thì được biết tiếng kêu đó là những oan hồn của dân binh đã cùng triều đình chống giặc họ đã cố thủ trong hang. Bọn giặc không làm gì được đã bít cửa hang, do đó những oan hồn không được siêu thoát.
Hiểu rõ sự tình, quan quân liền hạ trại ngay cạnh bờ sông Lèng và mổ ngựa làm lễ tế trời đất. Lạ thay khi lễ tế vừa xong thì tiếng oan hồn trong động cũng im dần rồi mất hẳn, nơi đó qua năm tháng đã mọc lên những khối nhũ đá rất đặc biệt kỳ vỹ, có chỗ như bông hoa đá, lại có nơi như đức Quan âm bồ tát đưa tiễn thầy trò Tam Tạng đi lấy kinh, có nơi lại như một thuỷ cung, hoàng cung trong “Buổi thiết triều”.
Từ đó người ta gọi sơn động “Lèn Pèn” là động Hua Mạ hay tiếng địa phương gọi là hang đầu ngựa, để ghi nhớ một sự tích kỳ bí và huyền thoại của mảnh đất và con người nơi đây.
Bài và ảnh: Lam Thanh / SGTT

 

Bình luận (0)